Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trấn an người tiêu dùng

Bà Yellen kêu gọi người dân Mỹ không nên hoảng loạn khi giá hàng hóa tăng cao bởi rất nhiều hàng hóa đang chờ bốc dỡ tại các cảng để chuẩn bị cho mùa mua sắm trong các kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn của hãng tin CBS ngày 12/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận khó khăn kinh tế mà Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới đang gặp phải, đó là vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng gián đoạn khiến giá cả tăng cao và khan hiếm một số hàng hóa.

Tuy nhiên, bà Yellen kêu gọi người dân Mỹ không nên hoảng loạn bởi rất nhiều hàng hóa đang chờ bốc dỡ tại các cảng để chuẩn bị cho mùa mua sắm trong các kỳ nghỉ lễ sắp tới.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, việc giá cả hàng hóa tăng cao hiện này là một "cú sốc" chưa từng có đối với kinh tế toàn cầu. Tình trạng này chưa thể chấm dứt, song chỉ là vấn đề tạm thời.

[Goldman Sachs tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ]

Bà Yellen cho rằng các sức ép đối với giá cả hàng hóa sẽ biến mất trong 1 hoặc 2 tháng tới.

Hiện các thị trường đang theo dõi báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ về lạm phát trong tháng Chín vừa qua, sau khi chỉ số giá tiêu dùng đã chạm mức 5,3% trong tháng Tám.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, trong đó có Ngân hàng dự trữ liên bang (Fed) cho biết họ dự kiến lạm phát sẽ được cải thiện, song việc giá dầu mỏ đột biến tăng trong thời gian gần đầy đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ lạm phát gia tăng còn kéo dài.

Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida ngày 12/10 cho biết Mỹ gần như sẵn sàng chấm dứt chương trình thu mua trái phiếu khồng lồ hằng tháng và các loại chứng khoán khác - giải pháp được đưa ra nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Nhờ đó, tình trạng lạm phát cao có thể sớm cải thiện.

Theo ông Clarida, nền kinh tế lớn nhất thế giới gần hoàn thành bài kiểm tra về "tiến bộ thực sự" mà ngân hàng trung ương đã đặt ra để xác định thời điểm thu hồi các chính sách kích thích nền kinh tế.

Hiện Fed duy trì chương trình trị giá 80 tỷ USD thu mua trái phiếu và 40 tỷ USD mua chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp mỗi tháng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích chương trình thu mua này đã đẩy lạm phát tăng cao trong suốt năm 2021 khi kinh tế thế giới phục hồi và các chuỗi cung ứng đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân tăng cao đột biến.

Theo ông Clarida, việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trị giá 20.000 tỷ USD trong năm 2021 mất nhiều thời gian hơn và tốn kém hơn nhiều so việc đóng cửa nền kinh tế vào năm ngoái. Tuy nhiên, ông tin rằng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu của Fed.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Atlanta, ông Raphael Bostic cảnh báo lạm phát cao trên 2% có thể còn kéo dài, song khó xác định kéo dài trong bao lâu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục