Ngay sau phiên chất vấn về lĩnh vực ngân hàng, chiều nay (11/11), Quốc hội chuyển sang phần chất với với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) nêu rõ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là với thanh thiếu niên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Y tế đánh giá về thực trạng và giải pháp kiểm soát tình hình này.
Tương tự đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, liệu có thể thực hiện được việc xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và chất kích thích cho trẻ em ở các địa phương hay không?
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đề xuất giải pháp sát thực tế, khả thi, hiệu quả
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phải tạo sự bứt phá trong năm 2024, 2025, mục tiêu này cần phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt với giải pháp hiệu quả nhất.
Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhắc lại trước kia, khi xây dựng Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, thực tế chưa xuất hiện các loại thuốc lá mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Nhưng gần đây, các sản phầm này xuất hiện nhiều trên thị trường, số người sử dụng thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hại, nhất là với giới trẻ.
Dừng lại ít phút, Bộ trưởng Đào Hồng Lan tìm một số sản phẩm thuốc lá điện tử mà bà mang theo, với màu sắc và hình dáng rất phong phú, để đưa ra trước Quốc hội.
“Có ai nghĩ đây là thuốc lá điện tử không?” - Bộ trưởng Y tế giơ một mẫu sản phẩm thuốc lá điện tử với hình dáng như một búp bê nhỏ và đặt câu hỏi với các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết các sản phẩm này rất bắt mắt, hấp dẫn và thu hút giới trẻ.
Bộ trưởng dẫn số liệu điều tra tại 34 tỉnh, thành vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020. Trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15-24 tuổi (7,3%). Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi cho thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với trẻ em gái cũng tăng lên.
Ngoài ra, lệ hút thuốc lá điện tử trong nhóm học sinh 13-17 tuổi tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% vào năm 2023. Nhóm 13-15 tuổi tăng từ 3,5-8%. Nữ giới 11-18 tuổi cũng tăng 4,3%.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trình Quốc hội. Trong đó, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử làm ảnh hưởng đến người dân, hướng tới cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bằng một nghị quyết của Quốc hội, trước khi sửa đổi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá...
Tiếp tục trả lời câu hỏi về hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho người dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá. Trong các nhóm nhiệm vụ của Quỹ, có nhóm nhiệm vụ về thành lập, tổ chức mạng lưới cai nghiện thuốc lá để thiết lập việc hỗ trợ người dân thực hiện cai nghiện thuốc lá.
Về phía Bộ Y tế, Bộ đã tổ chức được 24 điểm tham gia vào mạng lưới cai nghiện thuốc lá, tại các bệnh viện trực thuộc Bộ. Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức 1 Trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước về vấn đề này.
Mặc dù chưa có quy định cho phép bán nhưng Bộ trưởng Y tế cho hay do lợi nhuận, hình thức tiếp thị của các công ty nước ngoài, nhập lậu nên thuốc lá này vẫn xuất hiện trên thị trường./.