Trong thông cáo báo chí ngày 4/8, người đứng đầu Hội đồng tối cao Ai Cập về quản lý truyền thông Makram Mohamed Ahmed cho biết "Bộ tứ Arab" gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain sẵn sàng mở rộng liên minh chống khủng bố.
Trong thông cáo, ông Ahmed nhấn mạnh 4 nước Arab đồng lòng tiếp tục nỗ lực chống lại chủ nghĩa khủng bố và sử dụng hết nguồn lực của mình.
Tuyên bố của quan chức Ai Cập được đưa ra một ngày sau cuộc họp của các bộ trưởng thông tin của liên minh Arab tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia.
[Qatar: Lệnh trừng phạt của 4 nước Arab "vi phạm luật pháp quốc tế"]
Theo ông Ahmed, cuộc họp đã thảo luận tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác truyền thông chung nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng như tất cả các loại hình của chủ nghĩa khủng bố thông qua các chiến dịch truyền thông nhằm kích động thù hận, được tài trợ bởi Chính phủ Qatar.
Hồi tháng Sáu vừa qua, 4 quốc gia Arab kể trên đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời cắt kết nối đường biển, đường bộ và hàng không với quốc gia vùng Vịnh giàu có này, với cáo buộc Doha tài trợ cho khủng bố, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này, cũng như thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Iran, quốc gia thù địch của Saudi Arabia.
Qatar đã mạnh mẽ phản đối các cáo buộc nhằm vào nước này, cũng như từ chối thực hiện 13 yêu cầu của các nước Arab để nối lại quan hệ ngoại giao.
Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là hai nước trong khu vực hỗ trợ Qatar đắc lực nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, với hàng trăm chuyến bay và chuyến tàu vận chuyển lương thực thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho Doha nhằm đối phó với lệnh phong tỏa đường không, đường bộ và đường biển của các nước Arab vùng Vịnh.
Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci ngày 4/8 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Qatar đang thảo luận việc sử dụng hệ thống đường bộ của Iran nhằm thúc đẩy thương mại giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Zeybekci, ba nước đang bàn các giải pháp nhằm thay đổi những tuyến đường thương mại tới Qatar và cách dễ nhất là đi qua lãnh thổ Iran. Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh Ankara muốn đáp ứng mọi nhu cầu của Qatar về hàng hóa bao gồm các thiết bị vệ sinh, đồ gia dụng và sản phẩm dệt may.
Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ gửi hàng trăm chuyến máy bay vận chuyển hàng hóa tới Qatar, tuy nhiên ông Zeybekci cho rằng việc sử dụng máy bay để chuyển chở hàng là không kinh tế và không bền vững.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ huy động ít nhất 4 tàu trọng tải lớn chở hàng hóa tới Qatar mỗi tháng, nhưng tuyến đường bộ là một giải pháp thay thế nhằm vận chuyển hàng hóa đóng kiện có kích thước nhỏ hơn./.