Ngày 23/5, bốn quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) gồm Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển, đã trình đề xuất riêng của mình nhằm phục hồi kinh tế sau dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tự nhận là "Bộ tứ tằn tiện," bốn nước này tái khẳng định phản đối mọi công cụ vay nợ chung của toàn khối.
Theo đề xuất được Văn phòng Thủ tướng Áo Sebastian Kurz công bố, bộ tứ trên muốn việc hỗ trợ khẩn cấp cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề được thực hiện dưới dạng các khoản vay một lần "với kỳ hạn ưu đãi," có thể được nhất trí trong vòng 2 năm.
[''Bộ tứ căn cơ'' của EU sẽ đề xuất một kế hoạch cứu trợ kinh tế mới]
Bên cạnh đó, số tiền cho vay có thể "được chuyển thẳng tới các hoạt động đóng góp phần lớn cho việc phục hồi như nghiên cứu và cải tiến, tăng khả năng chống chọi của lĩnh vực y tế và đảm bảo một sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh."
Đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề xuất một quỹ trị giá 500 tỷ euro (546 tỷ USD) để phục hồi nền kinh tế bị dịch bệnh tàn phá.
Việc Đức ký một kế hoạch liên quan đến nợ phát hành chung được xem là một bước ngoặt lịch sử đối với EU, vì từ lâu Berlin cam kết tài chính công cân bằng.
Tuy nhiên, nhóm "Bộ tứ tằn tiện" nhấn mạnh họ không muốn có "nợ chung," cơ chế mà họ cho là sẽ cho phép các nền kinh tế yếu hơn và không nghiêm ngặt được hưởng lợi thái quá trên lưng của các thành viên mạnh hơn ở Bắc Âu.
Đề xuất công bố ngày 23/5 nêu rõ việc hỗ trợ phục hồi kinh tế phải đi kèm với "một cam kết cải cách mạnh mẽ và khuôn khổ tài chính," coi đây là một nghĩa vụ đối với các nước nhận hỗ trợ.
Bốn nước này cũng cho rằng cần "bảo vệ việc chi tiêu tiền hỗ trợ tránh tình trạng gian lận" thông qua các công tố châu Âu và các quan chức chống tham nhũng.
Đề xuất trên bác bỏ khả năng "tăng đáng kể" ngân sách EU, điều đã được nhắc tới trong kế hoạch của Pháp, Đức.
Thay vào đó, bộ tứ cho biết ngân sách EU cần "hiện đại hóa" và các khoản tiết kiệm có thể đạt được bằng cách "tái ưu tiên vào các lĩnh vực ít khả năng đóng góp cho việc phục hồi."
Ngược lại, các chi tiêu liên quan đến dịch COVID-19 có thể được phân bổ không đồng đều hoặc bổ sung tạm thời.
Theo bộ tứ trên, do các dự báo kinh tế trong năm nay khá ảm đạm, "các quỹ bổ sung cho EU sẽ kéo căng ngân sách các quốc gia hơn nữa." Tuần tới Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến trình kế hoạch của mình về việc kích thích phục hồi kinh tế sau khủng hoảng./.