Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh tuổi thọ cao là thành tựu của y khoa và kết quả của phát triển kinh tế-xã hội về nhiều mặt, không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế.
Màn biểu diễn Võ thuật Thái Cực quyền của các cụ cao tuổi tại lễ phát động. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Ngày 2/12, tại thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về Dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam năm 2015 (26/12) với chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi."

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh tuổi thọ cao là thành tựu của y khoa và kết quả của phát triển kinh tế-xã hội về nhiều mặt, không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Vì vậy, toàn xã hội hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi và khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được vốn sống phong phú, những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, người cao tuổi là những người năng động và có ích cho xã hội, họ vẫn có thể mang lại những đóng góp lớn lao cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á, chính thức bước vào thời kỳ “già hóa” từ năm 2011 - kết quả từ sự sụt giảm của tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng lên. Vào năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10,2% tổng dân số cả nước. Năm ngoái, tỷ lệ này đã tăng lên 10,5%.

Thời kỳ để Việt Nam chuyển giao từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có cấp độ phát triển cao hơn. Thời kỳ già hóa đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, thay đổi sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ.

Để giải quyết những thách thức và tận dụng các cơ hội của thời kỳ già hóa dân số,Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, đảm bảo đưa vấn đề già hóa và nhu cầu của người cao tuổi vào tất cả các chương trình và chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích và tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng đất nước.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam Ngô Trọng Vịnh cho rằng chăm sóc người cao tuổi không chỉ là chăm sóc về y tế mà còn chăm sóc về cả vật chất, tinh thần, sao cho mỗi người khi về già đều có một cuộc sống đảm bảo, an toàn.

Vấn đề chăm sóc người cao tuổi hiện nay, ở Việt Nam cần có một chiến lược, một giải pháp kịp thời đồng bộ, có hiệu quả, để giải quyết các vấn đề nảy sinh khi quốc gia bước vào giai đoạn già hóa dân số như hiện nay.

Do đó, Việt Nam cần nâng cao vấn đề nhận thức về già hóa dân số, vấn đề của người cao tuổi; bảo vệ quyền lợi người cao tuổi, nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc; quan tâm thiết thực đến 23,5% người cao tuổi nghèo, gần 100.000 người cô đơn và rất nhiều người cao tuổi khuyết tật.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy nội lực, chăm sóc sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng xã hội để có một tuổi già tích cực, góp phần an sinh xã hội… /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục