Ngày 4/8, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giảm lãi suất cơ bản từ 0,5% xuống 0,25%, nhằm đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế do hậu quả của việc nước này quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Động thái cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2009 của BoE đã tạo ra những phản ứng nhanh chóng trên thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu.
Ngoài việc bỏ phiếu thông qua quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất cơ bản, BoE còn thông qua chương trình mới trị giá 100 tỷ bảng, nhằm khuyến khích hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây được coi là bước đi mạnh mẽ nhằm ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế sau Brexit.
Bên cạnh đó, BoE đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 2% đối với kinh tế Anh trong năm 2016, nhưng hạ dự báo năm 2017 từ 2,3% xuống 0,8%. Cũng tại cuộc họp này, BoE cũng nhất trí thông qua khoản tiền 10 tỷ bảng để mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ngay trước thời điểm MPC họp bàn về lãi suất, một số khảo sát được công bố cho thấy nền kinh tế Anh có nguy cơ lâm vào suy thoái do hậu quả của Brexit. Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) tháng 7/2016 trong lĩnh vực chế tạo giảm xuống, chỉ còn 48,2 điểm - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2013.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do sự sụt giảm đáng kể về sản lượng, cũng như số đơn hàng. Giới chuyên gia và doanh nghiệp đồng loạt kêu gọi BoE cần phải kịp thời hành động nhằm cứu vãn tình thế hiện nay.
Trước đó, ông Richard Benson thuộc Quỹ Millennium Global ở London nhận định quyết định cắt giảm lãi suất cộng với việc bổ sung 100 tỷ bảng vào chương trình nới lỏng định lượng (QE) sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Anh.
Trong khi đó, cổ phiếu tăng giá mạnh trên các sàn giao dịch từ châu Âu sang châu Á nhờ sự khởi sắc của thị trường tài chính. Đồng USD cũng tăng giá so với các đồng ngoại tệ chủ yếu khác trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, đồng bảng Anh lại giảm 1,5% xuống mức 1,315 USD./.