Boeing đã biết về lỗi hệ thống cảnh báo phi công từ năm 2017

Các kỹ sư của Boeing đã phát hiện có lỗi trong hệ thống cảnh báo phi công ở dòng máy bay 737 MAX từ năm 2017, một năm trước khi xảy ra vụ tai nạn của hãng hàng không Lion Air.
Máy bay 737 MAX 7 của hãng Boeing tại Seattle, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tập đoàn Boeing ngày 5/5 cho biết các kỹ sư của tập đoàn này đã phát hiện có lỗi trong hệ thống cảnh báo phi công ở dòng máy bay 737 MAX từ năm 2017, một năm trước khi xảy ra vụ tai nạn của hãng hàng không Lion Air (tháng 10/2018) khiến 189 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, phát hiện này không được báo cáo kịp thời với lãnh đạo tập đoàn cũng như giới chức Mỹ.

Theo thông báo của Boeing, ban lãnh đạo tập đoàn không hề biết về khiếm khuyết nêu trên cho đến khi xảy ra vụ tai nạn hàng không của Lion Air.

Trong khi đó, dòng máy bay Boeing 737 MAX vẫn hoạt động trên bầu trời cho tới khi tiếp tục xảy ra vụ tai nạn thảm khốc với hãng hàng không Ethiopian Airlines vài tháng sau đó, khiến 157 người thiệt mạng.

Một thông báo của Boeing ngày 5/5 cho biết các kỹ sư đã phát hiện lỗi trong hệ thống cảnh báo ở buồng lái chỉ vài tháng sau đợt bàn giao chiếc 737 MAX đầu tiên hồi tháng 5/2017, đó là thiếu hệ thống hiển thị cảnh báo cảm biến góc tấn (AOA).

Theo đó, thiết bị thông báo cho phi công những bất thường của cảm biến góc tấn thực tế sẽ không được hiển thị trừ phi các hãng hàng không mua thêm một thiết bị hiển thị bổ sung tùy chọn.

Chính điều này dẫn tới việc các hãng hàng không (trong đó có Lion Air và Ethiopian Airlines) không mua thiết bị hiển thị không có được tính năng an toàn này.

[Boeing lại gặp rắc rối với thiết bị cảnh báo của máy bay 737 MAX]

Tuy nhiên, kết quả một cuộc kiểm tra nội bộ của Boeing đã đi đến kết luận rằng khiếm khuyết này không ảnh hưởng tới an toàn bay.

Chỉ đến khi tai nạn xảy đến với hãng hàng không Indonesia, lãnh đạo cấp cao của Boeing mới được báo cáo về lỗi này và một tuần sau đó, lỗi cảnh báo hiển thị mới được thông báo cho Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA).

Tuy nhiên, một cuộc điều tra sau đó được Boeing thực hiện (tháng 12/2018) cũng kết luận lỗi trên không gây nguy hiểm tới an toàn bay.

Cho đến nay, nguyên nhân hai vụ tai nạn liên tiếp xảy đến với dòng 737 MAX của Boeing, làm 346 người thiệt mạng, được cho có liên quan tới lỗi phần mềm điều khiển Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS).

Trong khi đó, hệ thống cảnh báo phi công mà Boeing biết có vấn đề từ năm 2017, lại có liên quan tới hệ thống MCAS.

Tuy nhiên, hiện còn chưa rõ lỗi cảnh báo phi công có vai trò ra sao trong hai vụ tai nạn máy bay.

Theo Boeing, thiết bị hiển thị chỉ bổ sung thêm dữ liệu cho phi công, và chưa bao giờ được coi là thiết bị hỗ trợ an toàn bay trên các máy bay vận tải thương mại.

Dòng máy bay 737 MAX của Boeing đã bị cấm hoạt động sau vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines hồi tháng 3 vừa qua và vụ tai nạn của hãng Lion Air tháng 10/2018.

Theo giới chức Ethiopia và một số nhà phân tích, hai vụ tai nạn này có nhiều điểm tương đồng, song đến nay chưa xác định được nguyên nhân chính xác hai vụ tai nạn này.

Ngay sau khi xảy ra thảm họa hàng không của Ethiopian Airlines, nhiều nước và nhiều hãng hàng không đã ngừng sử dụng dòng 737 MAX./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục