Bồi thường vụ thủy điện gây ngập 62 hộ dân ở Kon Tum: Đi vào ngõ cụt?

Mặc dù Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu các công ty chủ đầu tư của các thủy điện gây ngập lụt phải thống nhất chủ trương, phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho 62 hộ dân.
Gia đình ông Võ Hữu Thành, trú thôn Đăk Wét, xã Đăk Pxi bị ngập sâu 2m, nứt tường do Thủy điện Đăk Psi 5 xả lũ. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Liên quan đến vụ việc các thủy điện trên hệ thống sông Đăk Psi xả lũ, gây ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân sinh sống gần khu vực hồ chứa của thủy điện Đăk Psi 5 mà TTXVN đã đưa tin, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã vào cuộc và xác định được nguyên nhân gây ngập.

Mặc dù Sở Công Thương đã có văn bản yêu cầu các công ty chủ đầu tư của các thủy điện gây ngập lụt phải thống nhất chủ trương, phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho 62 hộ dân, báo cáo trước ngày 20/6, song cho đến nay, việc phối hợp của các công ty dường như đang đi vào “ngõ cụt.”

Xác định nguyên nhân

Sau khi nhận được báo cáo của Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai (chủ đầu tư thủy điện Đăk Psi 5) về việc xem xét lại quy trình xả lũ của thủy điện Đăk Psi bậc 1 và Đăk Psi bậc 2 do Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi làm chủ đầu tư, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra lại việc vận hành quy trình xả lũ của hai thủy điện này.

[Kon Tum: Yêu cầu thủy điện Đăk Psi 5 đền bù cho người dân trước 13/8]

Qua quá trình kiểm tra, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum kết luận, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2020, mưa nhiều nên lưu lượng nước trên sông Đăk Psi rất lớn.

Ngày 28/10/2020, do lũ lên nhanh nên các công trình thủy điện Đăk Psi bậc 1, Đăk Psi bậc 2 đã thực hiện vận hành cửa van xả lũ để đảm bảo an toàn công trình.

Tuy nhiên, việc vận hành hai công trình thủy điện này trong cơn bão số 9 của Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi không đảm bảo quy trình, việc vận hành về trình tự, phương thức đóng mở cửa van đập tràn thực hiện chưa tuân thủ theo Quy định vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Psi của Bộ Công Thương (vượt giới hạn cho phép, không thực hiện đúng trình tự mở từng nấc van 0,5m theo quy trình).

Chính vì vậy, lưu lượng nước đổ về hạ du tăng rất nhanh, xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.

Đối với Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum xác định, đơn vị này đã không thường xuyên thực hiện công tác bảo trì, nạo vét hồ nên hồ chứa thủy điện Đăk Psi 5 qua các năm vận hành đã bị bùn cát bồi lấp, làm giảm dung tích hồ chứa, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ.

Khi lưu lượng nước về nhanh với tần suất từ 1,5% đã làm cho mực nước hồ dâng cao, ảnh hưởng đến hoa màu, tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai cung cấp bản ghi chép số liệu vận hành ngày 28/10/2020 có số liệu không trung thực, chưa chủ động thoát lũ cho vùng lòng hồ.

Sau khi xác định được nguyên nhân, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã có báo cáo số 296/BC-SCT gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và hai Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai, Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi, yêu cầu hai công ty này làm việc, thống nhất việc chia sẻ bồi thường, hỗ trợ 62 hộ dân, báo cáo kết quả trước ngày 20/6.

“Trên bảo, dưới không nghe?”

Điều đáng nói, mặc dù Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi cho hai công ty, song theo ông Lê Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, đến ngày 24/6, Sở vẫn chưa nhận được văn bản của Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai và Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi.

Để tìm hiểu rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trực tiếp liên hệ với đại diện của hai công ty nói trên.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc nhà máy thủy điện Đăk Psi 5 cho biết, đơn vị này đồng tình với văn bản số 296/BC-SCT, bởi thay vì trước đây chỉ yêu cầu nhà máy thủy điện Đăk Psi 5 phải chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân, thì nay đã xác định chính xác được nguyên nhân gây ngập.

“Về quan điểm, chúng tôi sẵn sàng tiến hành hỗ trợ cho người dân, vì chúng tôi đã tiến hành đo đạc, xác định thiệt hại rồi. Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai cũng đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi để phối hợp nhưng phía Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi không đồng ý chịu trách nhiệm đối với vấn đề ngập lụt,” ông Nguyễn Thanh Minh chia sẻ.

Về phần mình, ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc thủy điện Đăk Psi bậc 1 và Đăk Psi bậc 2 cho rằng, lưu lượng xả của hai thủy điện còn thấp hơn lưu lượng nước về hồ, nghĩa là hai thủy điện này vẫn còn đang giữ nước lại.

Chính vì vậy, thủy điện Đăk Psi bậc 1 và Đăk Psi bậc 2 không phải chịu trách nhiệm đối với việc gây ngập lụt; không đồng ý cùng với Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai bồi thường, hỗ trợ 62 hộ dân bị ngập lụt.

Rõ ràng, việc Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi không đồng ý cùng với Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị ngập khiến việc bồi thường, hỗ trợ đang đi vào “ngõ cụt.”

Và dường như, kết luận của Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng bị phớt lờ. Điều này đang cho thấy rõ tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” của Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi trong công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân sinh sống ở khu vực hồ thủy điện Đăk Psi 5.

Còn về phía người dân đã chịu những thiệt hại về tài sản bởi nguyên nhân trên, như mong muốn của ông Võ Hữu Thành - một trong 62 hộ dân bị ngập lụt do các thủy điện xả lũ, đã xác định được nguyên nhân rồi, thì người dân chỉ mong muốn các sở, ban, ngành của tỉnh cũng như chính quyền địa phương sớm vào cuộc, yêu cầu các công ty thủy điện nhanh chóng hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho người dân.

"Cũng phải làm sao để xử lý dứt điểm tình trạng ngập lụt, chứ cứ đến mùa mưa lại xả lũ thì bà con nhân dân lo lắng lắm, lại mất ăn, mất ngủ cả đêm vì sợ lũ về,” ông Võ Hữu Thành lo âu nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục