Bốn tỉnh thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng

Bốn tỉnh được lựa chọn thí điểm với 20 cơ sở là các cơ sở sản xuất có nguồn khí nhà kính lớn; trong đó có chín cơ sở sản xuất nhiệt điện và 11 cơ sở sản xuất ximăng.
Bốn tỉnh thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sáng 7/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng.

Cụ thể hóa Luật Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng tại bốn tỉnh gồm Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng.

Theo dự thảo quyết định, bốn tỉnh được lựa chọn thí điểm với 20 cơ sở là các cơ sở sản xuất có nguồn khí nhà kính lớn; trong đó có chín cơ sở sản xuất nhiệt điện và 11 cơ sở sản xuất ximăng.

[Bảo vệ rừng nguyên sinh mới có thể đáp ứng mục tiêu bảo tồn, khí hậu]

Dự thảo cũng quy định về mức chi trả đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than là 4 đồng/kWh (tương đương 2 USD/tấn CO2) và 2.100 đồng/1 tấn clanhke (tương đương 1,35 USD/tấn CO2) đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh xi măng.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp, mức chi trả này thấp hơn mức Ngân hàng Thế giới dự kiến mua giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ là 5 USD/1 tấn CO2; chỉ bằng 11,2% (1,35 USD/11,13 USD) mức chi phí tạo ra 1 tấn CO2 được hấp thụ và lưu giữ carbon bởi cây rừng (11,13 USD).

Theo kết quả tính toán, mức tiền chi trả này sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện cũng như giá thành sản xuất xi măng của các nhà máy lên khoảng 0,29% và mức tăng này vẫn nằm trong khoảng tăng giá thành thực tế của lĩnh vực sản xuất ximăng là 0,3-1%/năm.

Với mức chi trả này, dự kiến bốn tỉnh thí điểm sẽ thu được khoảng 172 tỷ đồng/năm; trong đó tỉnh Thanh Hóa gần 41 tỷ đồng/năm; tỉnh Quảng Ninh gần 123 tỷ đồng/năm; Thừa Thiên-Huế trên 6 tỷ đồng/năm và tỉnh Quảng Nam trên 2 tỷ đồng/năm.

Đây là những nguồn thu đáng kể để phục vụ cho trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng tại các địa phương, đặc biệt là đối với tỉnh Quảng Ninh nơi tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm hiện tại rất thấp, chỉ thu được khoảng 4 tỷ đồng/năm.

Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2021.

Là một địa phương sẽ tham gia thực hiện thí điểm, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam ủng hộ và đồng tình cao việc triển khai thí điểm này. Về nguyên tắc và phạm vi chỉ trả, việc xác định khu rừng để chi trả rất khó nhưng nên có cơ chế để những chủ rừng gần nhà máy được ưu tiên hưởng quỹ này và ưu tiên những khu rừng chưa được hỗ trợ cao để đạt mức khoán bảo vệ rừng đạt 400.000 đồng/ha. Bên cạnh đó, việc thực hiện cần không tác động đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2020.

Bốn tỉnh thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng ảnh 2Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết Việt Nam đang thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế xanh với quyết tâm cao, từng bước hình thành thị trường tín chỉ carbon bởi đây là một xu thế tất yếu, là công cụ quan trọng mà toàn cầu đang tập trung thực hiện.

Việc thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng có khó khăn nhưng là việc phải làm sớm, bắt buộc phải làm theo đúng thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan tham mưu cho lãnh đạo sớm có ý kiến tham gia chính thức về dự thảo quyết định này. Tổng cục Lâm nghiệp tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2019.

Ủy ban Nhân dân bốn tỉnh thí điểm quan tâm chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, triển khai thực hiện chính sách thí điểm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Góp ý cho dự thảo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu rõ tờ trình dự thảo quyết định cần làm rõ hơn phạm vi đối tượng áp dụng của quyết định; lý do chỉ áp dụng cho hai lĩnh vực nhiệt điện than và xi măng và chỉ có 20 doanh nghiệp; cơ sở xác định mức giá dịch vụ; việc chi trả cho bên cung ứng dịch vụ... đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của doanh nghiệp tham gia, bao gồm cả quyền về kinh tế và tinh thần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục