Theo scmp.com đưa tin các nhà phân tích cảnh báo rằng châu Á có thể đang rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng tốc do các chính phủ phản ứng trước sự phát triển quân sự của Trung Quốc và căng thẳng kéo dài xung quanh các chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Dưới đây là danh sách các hệ thống phòng thủ mà một số chính phủ/chính quyền ở châu Á đang tìm cách có được.
Australia
Ngày 16/9, Australia cho biết nước này sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh 3 bên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Mỹ và Anh (AUKUS).
Australia cũng sẽ tăng cường khả năng tấn công tầm xa của mình bằng tên lửa hành trình Tomahawk được triển khai trên các tàu khu trục và tên lửa đất đối không được trang bị cho các máy bay phản lực F/A-18 Hornet và F-35A Lightning II, hai loại máy bay có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly 900 km (559 dặm).
[Australia gây thêm căng thẳng ở Đông Nam Á sau khi ký thỏa thuận AUKUS]
Tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) sẽ được lắp đặt trên các máy bay phản lực F/A-18F Super Hornet, trong khi các tên lửa dẫn đường tấn công chính xác có khả năng tiêu diệt các mục tiêu từ hơn 400km đang được lên kế hoạch trang bị cho lực lượng bộ binh.
Australia cũng sẽ hợp tác với Mỹ để phát triển các tên lửa siêu thanh theo thỏa thuận an ninh ba bên mang tên AUKUS.
Ngoài ra, vào tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua việc bán 29 máy bay trực thăng tấn công Boeing Co AH-64E Apache cho Australia theo một thỏa thuận trị giá lên tới 3,5 tỷ USD.
Đài Loan
Đầu tháng này, Đài Loan đã công bố kế hoạch chi 240 tỷ tân đài tệ (8,69 tỷ USD) trong 5 năm tới để nâng cấp các hệ thống vũ khí của mình - một chương trình có khả năng sẽ bao gồm cả các tên lửa tầm xa và các tên lửa hành trình hiện có.
Chương trình này sẽ bao gồm cả một loại tên lửa mới mà truyền thông Đài Loan nói rằng có thể có tầm bắn lên tới 1.200km và là phiên bản nâng cấp của tên lửa hành trình Hsiung Sheng.
Năm 2020, chính phủ Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán 100 Hệ thống Phòng thủ Bờ biển Harpoon do Boeing sản xuất, 3 hệ thống vũ khí bao gồm tên lửa, hệ thống cảm biến và pháo, cùng 4 máy bay không người lái hiện đại cho Đài Loan. Tổng giá trị của các hệ thống vũ khí này là khoảng 5 tỷ USD.
Tháng trước, Washington đã chấp thuận thương vụ bán 40 khẩu pháo tự hành cho Đài Loan theo một thỏa thuận trị giá lên tới 750 triệu USD.
Hàn Quốc
Ngày 15/9, Hàn Quốc đã thử thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), trở thành quốc gia đầu tiên không có vũ khí hạt nhân phát triển một hệ thống vũ khí như vậy.
Tên lửa này được cho là một biến thể của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B phóng từ mặt đất của nước này, có tầm bay khoảng 500km.
Năm ngoái, Hàn Quốc đã phát triển tên lửa Hyunmoo-4, có tầm bắn 800km và có thể mang trọng tải lên tới 2 tấn.
Hàn Quốc cũng đã công bố các tên lửa mới khác, trong đó bao gồm một tên lửa hành trình siêu thanh dự kiến sẽ sớm được triển khai.
Hàn Quốc cũng đang nỗ lực phát triển các động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, đây là một phần trong kế hoạch phóng vệ tinh do thám vào cuối những năm 2020 và nước này đã phóng thử nghiệm thành công vào tháng 7 vừa qua.
Trong một bản kế hoạch được công bố vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã nêu chi tiết đề xuất đóng 3 tàu ngầm.
Các quan chức cho biết 2 trong số các tàu ngầm này - có độ choán nước lần lượt là 3.000 tấn và 3.600 tấn - sẽ sử dụng các động cơ diesel, nhưng họ từ chối cho biết tàu ngầm lớn nhất, có độ choán nước lên tới 4.000 tấn, sẽ sử dụng nguồn năng lượng gì.
Việc chế tạo một tàu ngầm hạt nhân đã là một trong số các cam kết tranh cử của Tổng thống Moon Jae-in, nhưng ông chưa bao giờ chính thức công bố kế hoạch này sau khi nhậm chức vào năm 2017.
Triều Tiên
Tháng 7/2019, truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang thị sát một tàu ngầm lớn mới được đóng.
Mặc dù các tin tức không nói về các hệ thống vũ khí được trang bị trên chiếc tàu ngầm này, song các nhà phân tích cho biết kích thước của con tàu này cho thấy nó được thiết kế để mang theo các tên lửa đạn đạo.
Cuối năm đó, Triều Tiên cho biết họ đã thử nghiệm thành công một SLBM mới trên biển; và vào tháng 1 năm nay, một thiết kế SLBM mới đã được nước này đưa vào một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng.
Ngày 29/9, Triều Tiên thông báo một ngày trước đó nước này đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh mới được phát triển, như vậy Triều Tiên đang tham gia vào một cuộc chạy đua ngày càng tăng tốc cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc để phát triển loại vũ khí này.
Các loại vũ khí siêu thanh được coi là thế hệ vũ khí tiếp theo nhằm khiến đối thủ không có thời gian phản ứng và vô hiệu các cơ chế phòng thủ truyền thống của đối phương.
Không giống như tên lửa đạn đạo được phóng vào khoảng không vũ trụ và sau đó quay trở lại lao theo chiều thẳng đứng nhắm tới các mục tiêu, các vũ khí siêu thanh có thể di chuyển tới mục tiêu ở độ cao thấp hơn với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh - tức khoảng 6.200 km/h (3.853 dặm/giờ).
Vụ phóng diễn ra 2 tuần sau khi truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết nước này đã thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa đầu tiên được triển khai từ đường sắt.
Trung Quốc
Nước này đang sản xuất hàng loạt tên lửa DF-26, một loại vũ khí đa năng có thể gắn đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn lên tới 4.000km.
Trong một cuộc duyệt binh năm 2019, Trung Quốc cũng "trình làng" các máy bay không người lái (UAV) mới và phô trương các tên lửa siêu thanh và tên lửa xuyên lục địa tiên tiến của nước này, được thiết kế để tấn công các tàu sân bay và các căn cứ giúp Mỹ triển khai sức mạnh quân sự ở châu Á.
Tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, được gọi là DF-17, về mặt lý thuyết có thể bay với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, khiến loại tên lửa này khó có thể bị đánh chặn.
Bắc Kinh cũng sở hữu các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, vốn là "xương sống" của lực lượng răn đe hạt nhân của Trung Quốc, có khả năng mang theo nhiều đầu đạn và vươn tới tận Mỹ.
Nhật Bản
Nhật Bản đã chi hàng triệu USD cho các vũ khí tầm xa phóng từ trên không và nước này cũng đang phát triển một phiên bản mới của tên lửa chống hạm lắp trên xe tải, tên lửa Type 12, với tầm bắn dự kiến 1.000km.
Năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt một thỏa thuận cho phép Nhật Bản mua 105 máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed với chi phí ước tính là 23 tỷ USD. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tranh cãi về việc sở hữu các tàu ngầm nguyên tử.
Theo tờ Nikkei Asia Review, hiện Nhật Bản đã có các tàu ngầm diesel-điện hiện đại.
Các báo tiếng Anh ghi nhận cuộc thảo luận về tàu ngầm nguyên tử ở Nhật Bản - quốc gia vốn nước lo ngại về Trung Quốc cả ở trên biển và trên không - diễn ra sau khi Australia đồng ý triển khai chương trình tàu ngầm nguyên tử với sự trợ giúp từ Anh và Mỹ, theo hiệp ước an ninh AUKUS.
Dù vấn đề được nêu ra chỉ gói gọn trong một diễn đàn tại Nhật Bản, song nó đã thể hiện một xu hướng tăng cường vũ trang trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương những năm qua và trong tương lai./.