Ngày 12/10, Bosnia-Herzegovina tiến hành cuộc tổng tuyển cử trong bối cảnh người dân thất vọng với tình hình kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao, nạn tham nhũng tràn lan, đặc biệt là chia rẽ sắc tộc, một trong những nguyên nhân chính cản trở tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của nước này trong nhiều năm qua.
Đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ bảy ở Bosnia-Herzegovina sau cuộc nội chiến giai đoạn 1992-1995 tiếp sau sự sụp đổ của Liên bang Nam Tư cũ.
Theo ủy ban bầu cử, ngoài việc bầu ra quốc hội trung ương và các hội đồng lập pháp địa phương, khoảng 3,3 triệu cử tri đủ tư cách sẽ bỏ phiếu bầu "Hội đồng Tổng thống" gồm ba đại diện của ba cộng đồng sắc tộc sinh sống tại Bosnia - Herzegovina là người Serbia, người Hồi giáo Bosnia và người Croatia.
Trước đó, cả ba ứng cử viên của ba cộng đồng nói trên đều có các bài phát biểu vận động tranh cử tại các nhiều khu vực.
Giới phân tích cho rằng cùng với một nền kinh tế kiệt quệ, Bosnia-Herzegovina phải đối mặt với một hệ thống chính trị bị chia rẽ sâu sắc. Thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến 1992-1995 đã khiến bộ máy chính trị của nước này phân tán quyền lực và làm chính phủ trung ương yếu thế trong khi đất nước bị chia cắt thành hai thực thể tự trị, trong đó có một nửa tiếp tục bị chia nhỏ giữa cộng đồng người Bosnia và Liên đoàn Croatia.
Trong khi các nhà lãnh đạo của người Bosnia muốn tăng cường tập trung quyền lực cho chính quyền trung ương thì những người Croatia theo đường lối bảo thủ tại đây vẫn muốn thúc đẩy các thể chế tự trị.
Cuộc bầu cử trước thời hạn này là hệ quả của làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua ở nước này nhằm phản đối việc chính phủ để tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục 44% và khoảng cách giàu nghèo tại quốc gia Nam Âu ngày ngày càng gia tăng. Mặc dù nền kinh tế đạt được sự phục hồi mong manh 1% trong năm 2013 sau khi giảm 0,5% trong năm 2012, nhưng thu nhập của người dân vào loại thấp nhất châu Âu với mức trung bình 420 euro/tháng./.