Brazil: Bang Sao Paulo công nhận vắcxin của Sinovac có hiệu quả cao

Thống đốc bang Sao Paulo cho biết CoronaVac đã đạt mức hiệu quả ngừa COVID-19 theo đúng tiêu chuẩn của WHO và bang sẽ triển khai chương trình tiêm chủng đại trà từ ngày 25/1 tới.
Chính quyền Sao Paulo tiếp nhận vắcxin của Sinovac. (Ảnh: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 7/1, chính quyền bang Sao Paulo của Brazil thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng vắcxin CoronaVac ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do tập đoàn dược Sinovac của Trung Quốc nghiên cứu và bào chế cho thấy hiệu quả vào khoảng 78%.

Phát biểu tại Viện Butantan (trung tâm nghiên cứu và sản xuất vắcxin của bang Sao Paulo), Thống đốc Joao Doria cho biết CoronaVac đã đạt mức hiệu quả ngừa COVID-19 theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và bang này sẽ chính thức triển khai chương trình tiêm chủng đại trà từ ngày 25/1 tới.

[ Vắcxin của Sinopharm đạt hiệu quả hơn 79%]

Trong khi đó, Giám đốc Viện Butantan Dimas Covas cho biết trung tâm này đã chuyển giao hồ sơ chi tiết về kết quả thử nghiệm lâm sàng cho Cơ quan Giám sát Dịch tễ quốc gia (Anvisa) và đang hoàn tất hồ sơ xin phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine này.

Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh với tổng số ca mắc bệnh đến thời điểm hiện tại lên tới gần 8 triệu người, trong đó có hơn 198.000 trường hợp tử vong./.

Trước đó, chính quyền bang Sao Paulo thông báo sẽ triển khai kế hoạch tiêm chủng đại trà các loại vắcxin ngừa COVID-19 cho 9 triệu người dân của bang này từ nay tới tháng 4. Được biết, chính quyền bang đã đạt được thỏa thuận mua vắcxin ngừa COVID-19 của Sinovac.

Các nhân viên y tế tuyến đầu, người già trên 60 tuổi và thổ dân là đối tượng được ưu tiên tiêm chủng. Dự kiến sẽ có khoảng 54.000 nhân viên y tế và 25.000 cảnh sát tham gia triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà tại bang Sao Paolo trong thời gian tới.

Trong khi đó, Tổng thống Peru Francisco Sagasti thông báo chính phủ nước này cũng đã đạt được thỏa thuận mua 38 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 do Tập đoàn dược phẩm quốc gia Sinopharm của Trung Quốc bào chế, cùng với đó là hợp đồng cung cấp 14 triệu liều vắcxin khác từ hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh).

Tổng số 52 triệu liều vắcxin này sẽ cho phép Chính phủ Peru triển khai chương trình tiêm chủng cho khoảng 26 triệu người dân.

Tổng thống Sagasti cho biết Chính phủ Peru đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 14-15 triệu người từ nay cho đến khoảng giữa năm 2021.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục