Sáng chế máy truyền thanh thông minh của người lính kỹ thuật

Thiết bị truyền thanh tự động trên mạng truyền thanh nội bộ của Đại úy Nguyễn Thịnh Đạt và các cộng sự đạt giải Ba Tuổi trẻ Sáng tạo toàn quân thứ 24 và giải Nhì cấp Quân chủng Phòng Không-Không quân.

Đại úy Nguyễn Thịnh Đạt, Ban Hậu cần Kỹ thuật, Trung đoàn Tên lửa 274, Sư đoàn 377 thao tác trên thiết bị truyền thanh tự động. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Đại úy Nguyễn Thịnh Đạt, Ban Hậu cần Kỹ thuật, Trung đoàn Tên lửa 274, Sư đoàn 377 thao tác trên thiết bị truyền thanh tự động. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Cho phép phát tự động các nội dung được cài đặt sẵn từ trước với menu hệ thống hiển thị thông minh trên máy phát, “Thiết bị truyền thanh tự động trên mạng truyền thanh nội bộ” của Đại úy Nguyễn Thịnh Đạt, Ban Hậu cần Kỹ thuật, Trung đoàn Tên lửa 274, Sư đoàn 377 (đóng chân tại Khánh Hòa) và các cộng sự đã đạt giải Ba cuộc thi “Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24” của Bộ Quốc phòng.

Đại úy Nguyễn Thịnh Đạt cho biết ý tưởng làm nên thiết bị xuất phát từ các cộng sự của anh. Theo đó, công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh đòi hỏi phải luôn có một cán bộ chính trị phụ trách.

Tuy nhiên thực tế, các cán bộ có rất nhiều nhiệm vụ khác, có những thời điểm họ vừa phải thực hiện nhiệm vụ được giao vừa phải thực hiện công tác truyền thanh nên có lúc công tác truyền thanh chưa thực hiện đúng giờ, làm gián đoạn tính liên tục, đầy đủ của công tác tuyên truyền phát thanh trong toàn quân.

Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0 hiện nay, việc tạo nên những hệ thống tự động hóa, như thiết bị truyền thanh thông minh, nhằm giảm sức lao động con người cũng là một trong những nhiệm vụ của quân nhân kỹ thuật.

So với những sản phẩm thiết bị truyền thanh trên thị trường đang có hiện nay, thiết bị của Đại úy Nguyễn Thịnh Đạt nổi bật với nhiều công năng mới “trình làng” như cho phép phát tự động các bài tuyên truyền theo thời gian được quy định; hệ thống giao diện hiển thị trực quan, dễ thao tác.

Đặc biệt, giá của sản phẩm ước tính khoảng 6 triệu đồng, rẻ hơn các sản phẩm khác (chưa đầy đủ công năng) khoảng 30%.

Thiết bị nhỏ gọn, hình khối hộp ô vuông bao gồm phần mềm và phần cứng. Phần cứng sử dụng các linh kiện điện tử có sẵn, dễ tìm kiếm, dễ mua, gồm mạch điều khiển, xử lý tín hiệu trung tâm, mạch nguồn, màn hình hiển thị cảm ứng, mạch điều khiển, giải mã âm thanh, module đồng hồ thời gian thực DS1370 và hiển thị thời gian.

Module thu tín hiệu vô tuyến FM và hệ thống chuyển mạch chế độ làm việc… Riêng phần mềm, Đại úy Đạt cùng các cộng sự thực hiện lập trình trên ngôn ngữ lập trình C.

Từ khi có ý tưởng đến lúc đưa thiết bị vào sản xuất, ứng dụng thực nghiệm nhóm mất khoảng gần 3 tháng.

Đại úy Đạt cho biết vì được đào tạo bài bản về kỹ thuật và có sự phối hợp nhịp nhàng của các cộng sự nên trong quá trình sáng chế, việc sửa lỗi sai để có một sản phẩm hoàn chỉnh cũng khá nhanh.

Khó khăn nhất với Đại úy Đạt là thời gian làm việc, vừa phải làm công tác chuyên môn - đảm bảo hệ số kỹ thuật cho khí tài sẵn sàng chiến đấu vừa tranh thủ thời gian để làm sản phẩm nên có những lúc đang nghiên cứu, sản xuất anh buộc phải dừng lại để thực hiện nhiệm vụ.

"Mạch cảm hứng bị cắt" khiến công việc sau đó cũng khó khăn hơn. "Mặt khác, để lập trình phần mềm cho thiết bị hoạt động, phần lớn các anh em phải tự tìm hiểu, mày mò nên thời gian làm lâu hơn, có lúc nửa đêm cũng bật dậy sửa phần mềm,” Đại úy Đạt vui vẻ kể.

Sau một thời gian ứng dụng vào trong thực tế của đơn vị Trung đoàn 274, Đại úy Đạt khẳng định, thiết bị hoàn toàn có thể phát tự động các bài tuyên truyền vào đúng các khung giờ (sáng, trưa, tối) theo cài đặt sẵn, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền bằng hệ thống truyền thanh đặt ra của đơn vị.

Do thiết bị được cấu tạo từ những hệ thống mạch điện tử nhỏ gọn nên lượng điện năng tiêu thụ khá thấp, dù hoạt động liên tục 24/24 giờ. Ngoài ra, thiết bị còn cho phép kết nối với điện thoại di động để thao tác trực tiếp các nội dung trong tình huống cần phát nhanh, khẩn mà không phải qua lập trình.

"Chúng tôi đang hoàn thiện sản phẩm hơn nữa để có thể kết nối với các thiết bị khác bằng sóng Wifi, Bluetooth và đa dạng các khung giờ với các nội dung tuyên truyền cả trong quân và ngoài quân. Từ đó, mang lại cho thị trường thiết bị điện tử truyền thanh thêm một sản phẩm hiện đại với nhiều công năng," Đại úy Đạt cho biết.

“Thiết bị truyền thanh tự động trên mạng truyền thanh nội bộ” của Đại úy Đạt và các cộng sự đạt giải Ba Tuổi trẻ Sáng tạo toàn quân lần thứ 24 và giải Nhì cấp Quân chủng Phòng Không-Không quân.

Sản phẩm được Ban giám khảo các cấp đánh giá mang ý nghĩa khoa học cao, tính khả thi và bám sát thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ của quân đội và đất nước; góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội, đem lại hiệu quả thiết thực trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục, tuyên truyền.

Trung tá Nguyễn Vĩnh Cửu, Chủ nhiệm Ban Hậu cần Kỹ thuật, Trung đoàn Tên lửa 274, Sư đoàn 377 nhận xét sản phẩm thiết bị truyền thanh tự động của Đại úy Đạt phục vụ tốt các nhiệm vụ truyền thanh tuyên truyền tự động của đơn vị.

Đại úy Đạt là người say mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tham gia sáng chế một số sản phẩm trước đó và đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ của Ban Hậu cần Kỹ thuật giao.

Đại úy Đạt cũng là thành viên tích cực, luôn hoạt động năng nổ của Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ - Trung đoàn 274. Những cống hiến và kết quả sáng tạo khoa học kỹ thuật không ngừng trong thời gian qua, Đại úy Đạt đã được thăng quân hàm sớm hơn 1 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.