Ngày 9/6, Chính phủ Brazil thông báo sẽ đầu tư 64 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và cảng biển nhằm kích thích nền kinh tế phát triển.
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Dilma Roussef cho rằng việc tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng là vấn đề rất “cấp bách” bởi từ năm 2000 tới nay, sản xuất nông nghiệp của Brazil tăng 130%, lượng hành khách qua lại các sân bay tăng 154%, hoạt động tại các cảng biển tăng gấp đôi và số lượng tàu biển vận chuyển xe hơi xuất khẩu tăng 185%.
Theo bà Roussef, nguồn vốn đầu tư trên sẽ tác động ngay tới sự phát triển của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như tạo thêm nhiều công ăn việc làm khi mà tỷ lệ người thất nghiệp ở Brazil hiện đã lên tới 8%.
Trong tương lai trung hạn và dài hạn, chính sách này sẽ góp phần làm tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm của Brazil tại thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu.
Cũng đề cấp đến vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch Brazil Nelson Barbosa nhấn mạnh kế hoạch đầu tư trên sẽ tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển và tăng trưởng mới ở Brazil, đồng thời thông báo tới đây, chính phủ sẽ đưa ra một loạt giải pháp để khuyến khích các hoạt động xuất khẩu.
Dự kiến, trong khuôn khổ kế hoạch đầu tư khổng lồ nói trên, Chính phủ Brazil sẽ đầu tư 22,3 tỷ USD giai đoạn 2015-2018 và số còn lại từ năm 2019, trong đó ngành đường sắt sẽ nhận được 27,9 tỷ USD, giao thông đường bộ 21,3 tỷ USD, cảng biển 12,1 tỷ USD và hàng không 2,7 tỷ USD.
Trong các dự án đầu tư, đáng chú ý có dự án xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa dài hơn 3.500km nối liền cảng biển Santos ở miền Đông Nam Brazil, nằm trên Đại Tây Dương với cảng Ilo trên Thái Bình Dương của Peru.
Theo Tổng thống Rousseff, dự án trên tạo thuận lợi cho hàng hóa Brazil tiếp cận thị trường châu Á và củng cố vị trí địa chiến lược của nước này. Trung Quốc sẽ tham gia đầu tư vào dự án trên với số tiền dự kiến lên tới 15 tỷ USD trong giai đoạn đầu.
Cùng ngày, Chính phủ Brazil ra thông cáo khẳng định chỉ có gia tăng đầu tư mới có thể thúc đẩy kinh tế phát triển.
Những giải pháp nêu trên sẽ cho phép tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp và giảm chi phí dịch vụ hậu cần của các ngành công nghiệp, khuyến khích du lịch trong và ngoài nước, và mở rộng xuất khẩu.
Ngân hàng Trung ương Brazil sẽ đầu tư từ 70 đến 90% tổng số vốn kể trên, số còn lại sẽ đến từ các ngân hàng tư nhân và các nhà đầu tư.
Với kế hoạch khổng lồ nói trên, Chính phủ Brazil đang nỗ lực giải quyết tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm trong những năm gần đây.
Theo dự báo của các chuyên gia, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế số một Mỹ Latinh này sẽ sụt giảm 0,9% trong năm nay sau khi tăng trưởng 2,7% năm 2011, 1% (2012), 2,3% (2013) và 0,3% (2014)./.