Các nhà khoa học Brazil vừa công bố phát hiện về một khu rừng hóa thạch ước tính khoảng 290 triệu năm tuổi ở bang Paraná, miền Nam nước này.
Đây được coi là một bước tiến lớn trong việc nghiên cứu về sự tiến hóa của thảm thực vật tại Nam Bán cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, nhà địa chất học Thammy Mottin tại Đại học Paraná - trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các nhà khoa học tại Đại học liên bang Rio Grande do Sul và Đại học California (Mỹ) đã phát hiện hóa thạch của 164 thân cây lycophytes (thuộc nhóm thực vật hoa ẩn có mạch hiện đã tuyệt chủng - sinh sản bằng bào tử và không có quả, hoa hay hạt) trong điều kiện bảo quản gần như nguyên vẹn.
Ông Mottin giải thích những thân cây lycophytes này được bảo quản tốt là do chúng bị chôn vùi đột ngột và dần dần bị bao phủ bởi một lớp trầm tích dầy.
[Gia đình Mexico phát hiện hóa thạch 10.000 năm tuổi ở sân nhà]
Các nhà nghiên cứu xác định rằng khoảng 290 triệu năm trước, một trận lũ lớn từ một con sông gần đó đã gần như nhấn chìm toàn bộ khu rừng lycophytes này.
Theo ông Mottin, với niên đại ước tính khoảng 290 triệu năm, những hóa thạch vừa được phát hiện đại diện cho một trong những dạng thực vật nguyên thủy nhất trong lịch sử Trái đất.
Khám phá này cho phép các nhà khoa học hiểu thêm về cách thức phân bố trong không gian và tương tác với môi trường của các loài thực vật đầu tiên trên hành tinh Xanh./.