Ngày 10/12, Brazil và Đức đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất các sản phẩm như thịt, đậu tương và gỗ bằng phương pháp bền vững nhằm bảo vệ môi trường tại vùng rừng nhiệt đới Amazon.
Thỏa thuận trên đã được đại diện của chính phủ hai nước ký kết tại trụ sở Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil.
Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật giữa hai nước giai đoạn 2020-2024, với mục tiêu thúc đẩy bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina khẳng định, thỏa thuận với Đức xác định các hành động cụ thể nhằm tạo ra các công cụ theo dõi tình hình môi trường xã hội của các chuỗi sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm của các ngành có tỷ lệ bền vững cao, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý cho các nhà sản xuất có chỉ số bền vững thấp.
Theo bà, cần làm cho người sản xuất hiểu rằng công nghệ sẽ giúp tăng năng suất; đồng thời sáng kiến này không nhằm loại trừ bất kỳ nhà sản xuất nào, chỉ cần họ không phá rừng, đảm bảo sản xuất bền vững và tuân thủ luật pháp.
[Diện tích rừng Amazon ở Brazil bị chặt phá lớn nhất trong 11 năm qua]
Quan chức Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết, cơ quan này sẽ thiết lập Chỉ số thích ứng môi trường để đánh giá các dây chuyền sản xuất thịt, đậu tương và gỗ tại các bang Amazonas, Mato Grosso, Para, Rondonia và Tocantins.
Trong khi đó, theo Đại sứ Đức tại Brazil Georg Witshel, quá trình hợp tác sẽ tập trung vào việc sản xuất thịt tại các bang thuộc khu vực Amazon.
Ông giải thích, hiệp định thương mại tự do giữa Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng cường xuất khẩu thịt sang châu Âu, nhưng cũng sẽ phải tuân thủ các quy định của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Quan chức ngoại giao Đức bày tỏ tin tưởng thỏa thuận sẽ giúp Brazil cải thiện chỗ đứng và mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, trong khi vẫn đảm bảo các mục tiêu bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và rừng Amazon.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Brazil, thịt bò đông lạnh chiếm 1,1% thị phần xuất khẩu của nước này sang EU, trong khi cellulose chiếm 6,2% và đậu tương gần 13%./.