Ngày 28/2, Anh đã đưa ra một số đề xuất mới về quyền của những công dân Liên minh châu Âu (EU) tới quốc gia này trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh chính thức rời EU (Brexit) vào tháng 3/2019.
Theo đó, các công dân EU sẽ được giữ nguyên quyền di chuyển tới Anh để sinh sống, học tập và làm việc trong giai đoạn chuyển tiếp mà EU cho phép kéo dài 21 tháng sau tháng 3/2019.
Cũng giống như những công dân tới Anh trước khi Brexit chính thức diễn ra, những công dân EU và thân nhân tới Anh trong giai đoạn chuyển tiếp có thể nộp đơn xin định cư vĩnh viễn sau 5 năm sinh sống liên tục tại quốc gia này và có thể ở lại Anh cho tới khi hội đủ điều kiện để nộp đơn.
Tuy nhiên, đề xuất nêu rõ những người đến Anh trong giai đoạn chuyển tiếp nếu muốn sống ở Anh lâu hơn 3 tháng phải khai báo rõ ràng với nhà chức trách, điều mà các công dân đến Anh trước tháng 3/2019 không phải thực hiện.
[EU công bố văn bản pháp lý về Thỏa thuận rút khỏi EU của Anh]
Thân nhân của các công dân EU đến Anh sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc sẽ không được hưởng các quy chế đặc biệt trên mà phải tuân thủ theo quy định nhập cư thông thường của nước này trong đó có cả yêu cầu về mức thu nhập tối thiểu.
Hồi tháng 12 vừa qua, Anh và EU đã nhất trí thỏa thuận về quyền công dân của khoảng 3 triệu công dân EU và người thân đang sinh sống tại Anh. Nhưng Thủ tướng Anh Theresa May khi đó đã từ chối đề nghị từ phía EU về việc duy trì những quyền này đối với công dân EU đến Anh trong giai đoạn chuyển tiếp.
Cũng trong ngày 28/2, EU đã công bố dự thảo thỏa thuận Brexit nhắc lại quan điểm về vấn đề quyền công dân trong giai đoạn chuyển tiếp. Vì vậy đề xuất mới của Anh được cho là bước nhượng bộ đáng kể từ London nhằm hàn gắn những bất đồng sâu sắc vốn đang cản trở tiến trình đàm phán Brexit.
Phía Anh hy vọng có thể đạt được thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp trong tháng 3 này nhưng Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier đã cảnh báo những bất đồng về quyền công dân có thể trì hoãn quá trình đàm phán về giai đoạn chuyển tiếp./.