Brexit: Anh và châu Âu cần tận dụng cơ hội dù là 'mong manh nhất'

Với cách thể hiện sự quyết tâm như hiện tại, cả Anh và EU đều đặt mục tiêu có thể nhất trí về một thỏa thuận Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17-18/10.
Brexit: Anh và châu Âu cần tận dụng cơ hội dù là 'mong manh nhất' ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier (phải) và Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay tại vòng đàm phán ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh và EU đã nhất trí tăng tốc đàm phán để thoát khỏi thế bế tắc trong hồ sơ Brexit sau buổi làm việc ngày 11/10 giữa Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier và ông Stephen Barclay - Bộ trưởng Brexit của Anh.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh chỉ còn gần ba tuần trước thời hạn chót 31/10 của Brexit.

Theo các nguồn tin ngoại giao, hiện nay ông Barnier vẫn đang xúc tiến cuộc gặp đại sứ các nước để thuyết phục về việc tiếp tục các cuộc thương lượng với Anh về thỏa thuận Brexit và 27 nước EU đã có hồi đáp tích cực.

Những tín hiệu đáng mừng

Về phía châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, dù không dám chắc là các cuộc đàm phán sẽ thành công nhưng cho biết sẽ nắm bắt mọi cơ hội. Trong khi đó, phía Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã nêu lên khả năng từ giờ đến cuối tháng sẽ đạt được một thỏa thuận về những biện pháp liên quan đến việc kiểm soát biên giới - bất đồng chủ yếu giữa EU và Anh về Brexit.

Liên quan đến diễn biến này, thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Brussels: “Các cuộc đàm phán vào chiều ngày 11/10 giữa Anh và EU được mô tả là ‘gay gắt’ và "mạnh mẽ," nhưng điểm thay đổi thực sự là cuối cùng cũng đã có các cuộc thương thảo. Cho tới giờ mới chỉ có những cuộc trao đổi chuyên môn hoặc gặp gỡ chính trị, nhưng dường như EU cho rằng từ giờ có thể đàm phán được với lập trường của Chính phủ Anh."

[Anh đệ trình Liên minh châu Âu bản dự thảo về tuyên bố chính trị]

"Chí ít thì cũng đã thử” - phía EU tự nhủ trong hậu trường như vậy, dù vẫn hy vọng hình thành được loạt biện pháp kiểm soát an ninh mới cho Ireland. Đề xuất ban đầu của Thủ tướng Anh Boris Johnson dường như đã thay đổi và đó chính là điểm cốt lõi cho các cuộc đàm phán này.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng đầu tư lớn cũng đang ngày càng lạc quan về triển vọng Brexit có thỏa thuận sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Ireland Leo Varadkar. Theo kế hoạch, nhà lãnh đạo Anh có cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 13/10.

Những cơ hội mong manh

Có thể nói, với cách thể hiện sự quyết tâm như hiện tại, cả Anh và EU đều đặt mục tiêu có thể nhất trí về một thỏa thuận Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17-18/10 tới nhằm tạo điều kiện để Anh ra đi đúng hạn chót vào ngày 31/10.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít sự hoài nghi về khả năng hai bên có thể tiến tới một văn bản thỏa thuận Brexit kịp cho các quốc gia thành viên có thể ký thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU.

Hiện đoàn đàm phán của ông Barnier vẫn đang tiến hành các cuộc "đàm phán kỹ thuật" với giới chức Anh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn chưa đủ tiến bộ cần thiết để hai bên có thể nhất trí một thỏa thuận bằng văn bản giúp ngăn chặn nguy cơ "Brexit cứng" trong ba tuần tới.

Cùng ngày 11/10, ông Barnier đã gặp Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay trong cuộc trao đổi mà cả hai đều đánh giá là mang tính xây dựng. Tuy nhiên, nội dung cuộc hội đàm không được công bố.

Trong khi đó, trả lời báo giới tại thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra khá mập mờ khi đề cập đến khả năng đạt được thỏa thuận Brexit hay không. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng "vài giờ đồng hồ tới" có thể sẽ là thời điểm mang tính quyết định.

Ngày 11/10, Bộ trưởng Du lịch Anh Gavin Williamson đã nhấn mạnh rằng nước Anh cần thấy sự thỏa hiệp của EU trong vấn đề Brexit.

Trả lời phỏng vấn kênh ITV, ông Williamson nhấn mạnh EU cần thay đổi về quan điểm trong tiến trình đàm phán Brexit và không có việc nước Anh từ chối bước ra khỏi bàn đàm phán về tiến trình này. Tuyên bố của quan chức này được đưa ra trong bối cảnh sự hy vọng le lói về việc Anh và EU đạt được một thỏa thuận vào ngày hạn chót 31/10.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe bày tỏ hy vọng cuộc đối thoại giữa các nhà đàmphán Brexit của EU với Anh sẽ đi tới một kết quả khả quan. Ông nhấn mạnh thỏa thuận đạt được giữa Thủ tướng Johnson và người đồng cấp Ireland Leo Varadkar trong cuộc gặp ngày 10/10 là một tín hiệu tích cực, song ông Donohoe cho rằng cuộc thảo luận chi tiết thực sự sẽ diễn ra ngay bây giờ tại Brussels (Bỉ).

Trong cuộc gặp song phương diễn ra ngày 10/10, ông Johnson và ông Leo Varadkar cho biết họ có thể nhìn thấy một con đường hướng tới thỏa thuận Brexit nhằm giúp Anh rời khỏi EU một cách trật tự vào đúng hạn chót 31/10.

Mặc dù tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo không đề cập chi tiết về thỏa thuận, song mọi đồn đoán cho rằng vấn đề chủ chốt liên quan đến đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và vùng Bắc Ireland.

Ngay trong sáng 11/10, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit là ông Steve Barclay tại trụ sở của Ủy ban châu Âu ở Brussels để thảo luận về chủ đề này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng nêu rõ các bên cần tận dụng cơ hội dù "mỏng manh nhất" để cố gắng đạt được một thỏa thuận trước ngày 31/10.

Theo ông Tusk, ông đã thấy những tín hiệu đầy triển vọng sau khi Thủ tướng Ireland và Thủ tướng Anh cho biết có thể đạt được một thỏa thuận và các cuộc đối thoại cấp chuyên viên giữa các bên đang diễn ra tại Brussels.

Tuy nhiên, Chủ tịch EC cho rằng vòng đàm phán đang diễn ra vẫn không có sự đảm bảo về thành công và thời gian diễn ra gấp rút, do đó các bên cần tận dụng cơ hội dù là "mong manh nhất"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.