Brexit - Hậu quả chính trị của sự hiểu lầm lẫn nhau giữa EU và Anh

Tư tưởng “vừa yêu vừa ghét” EU đã trở thành đặc điểm trong cách tiếp cận của Anh. Câu hỏi đặt ra là tại sao hiểu lầm giữa hai bên xuất hiện và chúng có thể giải quyết thế nào?
Brexit - Hậu quả chính trị của sự hiểu lầm lẫn nhau giữa EU và Anh ảnh 1(Nguồn: BBC)

Các cuộc đàm phán liên quan đến việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đang gây mâu thuẫn trong mối quan hệ của Vương quốc Anh với EU. Điều này có thể dẫn đến việc “không có thỏa thuận nào” về Brexit.

Lời cảnh báo này của tiến sỹ Fabian Zuleeg, Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách châu Âu và Matt Bevington, chuyên gia phân tích chính sách công tại Trung tâm “Vương quốc Anh trong một châu Âu đang thay đổi” được đăng trên trang mạng euractiv.com mới đây.

Cả hai ông Zuleeg và Bevington cùng cho rằng đã xuất hiện nhiều sự hiểu lầm lẫn nhau giữa EU và Anh kể từ khi các cuộc đàm phán Brexit bắt đầu.

Trong các cuộc thảo luận về Brexit, giới chính trị gia Anh đã bị cáo buộc là không hiểu về liên minh thuế quan và thị trường chung, trong khi lại đang tìm cách đàm phán về cách tiếp cận thuận lợi trong tương lai.

Ngược lại, các nhà đàm phán EU được cho là không nắm bắt được tầm quan trọng chính trị của Bắc Ireland với Vương quốc Anh. Điều này đã dẫn đến những căng thẳng khiến cho các cuộc đàm phán Brexit trở nên khó khăn hơn. Câu hỏi đặt ra là tại sao những hiểu lầm này xuất hiện, và chúng có thể được giải quyết như thế nào?

[Vấn đề Brexit: Giới chức Anh bác nguy cơ nhiều bộ trưởng sẽ từ chức]

Sự nghi ngờ của người dân Anh đối với tất cả các cơ quan chính trị, đặc biệt là với các tổ chức của EU, đã dẫn đến những bất đồng của họ với khối này. Mối hoài nghi này ngày càng gia tăng bởi sự thờ ơ chính trị của công chúng và cả giới công chức Anh.

Trong 40 năm qua, không có thủ tướng Anh đương nhiệm nào nhất quán nêu rõ tầm nhìn tích cực của London như một quốc gia hàng đầu trong hội nhập EU. Chỉ đến khi dự án châu Âu trở thành vấn đề "không thể cưỡng lại," giới chính trị gia trong nước mới cho phép Anh tham gia. Dù không phải lúc nào cũng chỉ trích EU, nhưng tư tưởng “vừa yêu vừa ghét” EU đã trở thành đặc điểm trong cách tiếp cận của Anh.

Theo truyền thống này, trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, Thủ tướng Anh lúc đó là David Cameron đã lên tiếng ủng hộ "tư cách thành viên EU" của Anh - điều mà ông thường chỉ trích.

Trước đó, đầu năm 2005, Cameron gọi “EU là Liên minh châu Âu mà không ai tin tưởng." Hiện nay, Thủ tướng Anh đương nhiệm Theresa May cũng bị “mắc kẹt” trong mâu thuẫn này, thừa nhận chủ nghĩa chỉ trích EU ở nội bộ, trong khi ở bên ngoài lại muốn thảo luận về một mối quan hệ “sâu sắc và đặc biệt” với EU. Do đó, trong giai đoạn này, Vương quốc Anh khó có thể tránh khỏi việc hướng tới một “Brexit mềm."

Hiện phần lớn cuộc tranh luận ở Anh đã bỏ qua quan điểm của 27 nước thành viên EU (EU27) còn lại, được biểu hiện thông qua việc thường xuyên tranh luận về các thỏa thuận hải quan trong tương lai (vốn đã bị EU bác bỏ). Nhiều người châu Âu đang bối rối bởi sự bất lực của Vương quốc Anh nhằm tìm cách vượt qua mâu thuẫn trong nước để giảm thiểu tác hại kinh tế và chính trị.

Ngược lại, EU không có sự tin tưởng cao về những cam kết của Vương quốc Anh, đặc biệt là khi nói đến các thỏa thuận hậu Brexit, vốn sẽ phải được thực hiện trong nhiều năm bởi các chính phủ khác nhau tại Anh.

Dù đàm phán ở thế thượng phong, EU27 có thể nhầm lẫn khi cho rằng chắc chắn cuối cùng chính phủ Anh sẽ phải chấp nhận thỏa hiệp để tránh những thiệt hại đáng kể nếu không đạt được thỏa thuận. Nếu Chính phủ Anh không nhận được đa số ủng hộ trong quốc hội về thỏa thuận Brexit, EU27 không thể và sẽ không kéo dài thời hạn quy định tại Điều 50.

Như vậy, việc không đạt được thỏa thuận Brexit sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn đối với cả Anh và EU27.

Nước Anh dường như đang bị mắc kẹt trong các tiến trình chính trị trong nước với chính phủ treo từ tuần này sang tuần khác. Tuy nhiên, EU27 cũng bị mắc kẹt do phải tuân theo khung chính trị và pháp lý của họ để đảm bảo sự đoàn kết - điều vẫn được cho là quan trọng hơn nhiều so với những tác hại kinh tế từ một Brexit hỗn loạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.