Cơ quan quản lý thị trường nước Anh vừa yêu cầu các ngân hàng đánh giá sự thay đổi trong quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động như thế nào tới vai trò là trung tâm tài chính toàn cầu của thành phố London.
Lĩnh vực dịch vụ tài chính đóng góp 12% tổng sản phẩm quốc nội cho Vương quốc Anh, sử dụng hơn 2,2 triệu lao động và nộp 66 tỷ bảng Anh (88,5 tỷ USD) tiền thuế.
Các doanh nghiệp dịch vụ tài chính của nước Anh và EU lâu nay dựa vào “giấy thông hành” để cung cấp các dịch vụ trên toàn EU, song với việc cử tri nước Anh cách đây hơn một tuần đã bỏ phiếu rời khỏi EU thì những doanh nghiệp trên sẽ không còn được hưởng đầy đủ quyền lợi liên quan tới “giấy thông hành” như vậy trong tương lai.
Tin tức cho hay một thỏa thuận về các quan hệ thương mại mới giữa nước Anh và EU sẽ chưa sớm được đưa ra.
Theo ông John Griffith-Jones, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh, ngân hàng và các công ty tài chính khác của nước Anh cần đánh giá trước những rủi ro đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính của đất nước và có sự chủ động trong điều chỉnh chính sách hoạt động.
Bộ trưởng Tài chính nước Anh Geogre Osborne mới cảnh báo ngân sách quốc gia sẽ không thể đạt thặng dư vào năm 2020 như dự kiến, do những tác động tiêu cực từ Brexit. Điều này đồng nghĩa với việc nước Anh có thể còn tiếp tục phải thực thi những biện pháp khắc khổ.
Trước cuộc trưng cầu ý dân, chính ông Osborne đã cảnh báo người dân về những hậu quả như tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công hậu Brexit. Ông cũng cho rằng cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng mập mờ về tương lai của đất nước là nhanh chóng xác định mối quan hệ mới với EU, duy trì năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, và chính sách mở cửa nền kinh tế và tự do thương mại./.