Báo Le Soir (Bỉ) vừa đăng bài bình luận về cơ hội mà Anh và Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt được sau cuộc gặp diễn ra ngày 16/9 giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker.
Ngày 16/9, Thủ tướng Johnson khẳng định có "cơ hội tốt" để London và EU tiến tới một thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tại Luxembourg, ông Johnson nhấn mạnh ông có thể nhìn thấy "hình hài" tốt đẹp của một thỏa thuận Brexit trong tương lai, và tất cả có thể nhìn thấy những việc có thể làm để đạt được điều này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson cho biết việc hai bên tiến tới thỏa thuận còn tùy thuộc vào động thái từ phía EU và chính sách của khối này đối với Anh sau Brexit.
Trước đó, cùng ngày, tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Johnson và Chủ tịch EC, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cho kế hoạch Brexit dự kiến diễn ra vào ngày 31/10 tới.
Tại cuộc gặp, Anh vẫn không đề xuất được bất kỳ giải pháp thay thế khả thi nào đối với điều khoản "chốt chặn" (backstop), vốn được coi là trở ngại chính để EU và Anh có thể đạt được thỏa thuận Brexit.
Ông Johnson và ông Juncker chỉ nhất trí rằng các cuộc đàm phán Brexit cần phải được tăng cường, với các cuộc gặp giữa các quan chức hai bên phải diễn ra hàng ngày.
Hiện ông Johnson đang thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn ngày 31/10 tới bất kể có hay không có thỏa thuận, song những nỗ lực của ông đang gặp nhiều trở ngại khi không nhận được sự đồng thuận của Quốc hội. Đề xuất tổ chức bầu cử sớm trước hạn chót Brexit cũng bị Quốc hội bác bỏ trong cả hai cuộc bỏ phiếu gần đây.
Mới đây nhất, ông Johnson lại vấp thêm một trở ngại pháp lý khác khi Tòa án Scotland tuyên bố quyết định của Chính phủ đình chỉ lịch làm việc của Quốc hội Anh tới ngày 14/10 là vi phạm luật pháp. Dù London khẳng định sẽ khiếu nại phán quyết này lên tòa án tối cao, nhưng diễn biến mới khiến các phe kêu gọi lập tức triệu tập quốc hội trở lại làm việc.
Ông Johnson trước đó quyết định đình chỉ lịch làm việc của Quốc hội, nhằm ngăn chặn các nghị sĩ cản trở quyết tâm "Brexit cứng" vào ngày 31/10 - thời hạn chót Brexit theo thỏa thuận giữa Anh và EU.
Trong khi các nước châu Âu đang tích cực chuẩn bị cho một viễn cảnh Brexit không thỏa thuận, đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland, liên minh của Thủ tướng Johnson tại Quốc hội Anh, đã gửi đi những tín hiệu tích cực về một cuộc đàm phán nhằm hướng tới một thỏa thuận. Vấn đề "chốt chặn," do EU đề xuất và bị London bác bỏ, hơn bao giờ hết đang là trọng tâm của các cuộc tranh luận.
Thỏa thuận nước Anh rút khỏi EU gồm 500 trang, do Chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Theresa May thương lượng, không thể được tái đàm phán trong thời hạn ngắn đến vậy.
Điều khoản "chốt chặn" của Bắc Ireland là bảo hiểm sống còn do EU đặt ra nhằm tránh sự trở lại của một đường biên giới vật lý giữa hai vùng lãnh thổ Ireland và tránh một lỗ hổng rất lớn của đường biên giới trên bộ của thị trường chung, điều mà ông Boris Johnson bác bỏ.
Một bài báo đăng trên tờ The Times của Anh dẫn một nguồn tin giấu tên, khẳng định đảng DUP sẽ không phản đối việc thực hiện một số quy định của EU tại Bắc Ireland sau Brexit trong khuôn khổ một thỏa thuận nhằm thay thế điều khoản "chốt chặn" đối với đường biên giới Ireland.
Theo bài báo, DUP, vốn là đảng ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson, trong các cuộc tranh luận riêng đã cho biết đảng này sẽ không phản đối các hoạt động kiểm tra tại vùng biển Ireland nữa.
Đây là một điểm mấu chốt, bởi vì các nhà đàm phán EU, trong các cuộc đàm phán với bà Theresa May, đã đề xuất nguyên tắc "kiểm soát không có đường biên giới ". Những hoạt động kiểm soát này diễn ra tại vùng biển Ireland, nghĩa là giữa Bắc Ireland và Anh và chủ yếu là giữa các cảng và các sân bay.
Khi đó, Chính phủ của bà May đã từ chối lời đề nghị này, yêu cầu sự kiểm soát này được thiết lập trên đất liền, giữa hai vùng Ireland. Đề xuất này của Anh được nêu ra từ nhiều tháng nay, nhưng bị EU cho rằng không thực tế.
Theo báo The Times, DUP cho biết họ chỉ chấp nhận duy trì các quy định của EU tại Bắc Ireland sau Brexit với điều kiện Quốc hội Bắc Ireland được quyền lựa chọn những quy định này.
Có lẽ đây là một đề xuất ít có cơ may đạt được sự chấp thuận của phía EU, nhưng trong bài báo nêu trên của The Times, Charles Grand, Giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu (CER), khẳng định đây là một thỏa thuận có khả năng đạt được nhất mà ông nghĩ tới.
Theo đánh giá mới đây của BBC, hiện tại các bên đã đưa ra tất cả các chiến thuật của mình và hiện không ai muốn hành động vượt quá giới hạn./.