Brexit và những cơ hội lớn cho Liên minh châu Âu

Cách thức Brussels đối phó với vấn đề Brexit sẽ góp phần định hình không chỉ mối quan hệ trong tương lai của EU với Anh, mà còn xác định vị trí rộng lớn hơn của khối này trên thế giới.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phân tích của báo The Business Times ngày 10/9, cách thức Brussels đối phó với vấn đề Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), sẽ góp phần định hình không chỉ mối quan hệ trong tương lai của EU với Anh, mà còn xác định vị trí rộng lớn hơn của khối này trên thế giới.

Kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit vào tháng 6/2016, những tranh cãi trong nội bộ nước Anh về việc quốc gia này rời khỏi EU đã thu hút nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất nhưng thường bị bỏ qua là việc cuộc trưng cầu này góp phần thúc đẩy sự thay đổi đáng kể trong bản thân câu lạc bộ đặt trụ sở tại Brussels này.

Brexit đã làm tê liệt hàng loạt cuộc thảo luận trên toàn EU vốn đã và đang được ấp ủ trong nhiều năm, một phần vì Anh không can dự. Và những cuộc thảo luận này sẽ trở nên nổi bật hơn khi Anh chính thức chia tay EU vào ngày 31/10, giả sử đó thực sự là kết quả cuối cùng.

Những cuộc thảo luận về chính sách đối nội và đối ngoại then chốt của châu Âu, về tương lai EU tương đối sâu rộng, bao gồm việc liên minh này sẽ được tái cân bằng như thế nào trong nội bộ sau khi một trong những thành viên lớn nhất của khối rời đi; vai trò tương lai của khối đối với bên ngoài trong một châu Âu đa cực với các nước châu Âu khác không thuộc EU; và vị trí của châu Âu trong một thế giới đang thay đổi bên ngoài lục địa này, đặc biệt là đối với các cường quốc toàn cầu như Mỹ.

Quy mô của những thay đổi này làm nổi bật một thực tế rằng Brexit không chỉ xác định tương lai của EU mà còn là một trong một số thách thức lớn và cơ hội tiềm tàng mà câu lạc bộ có trụ sở ở Brussels này phải đương đầu.

Cách thức đối phó của EU - từ những sức ép mà Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Khu vực Schengen (khu vực đi lại tự do ở châu Âu) đang phải đối mặt đến quan hệ với các cường quốc khác trên thế giới - sẽ quyết định tương lai và vị trí của khối này trên thế giới, trong đó có việc định hình mối quan hệ với Anh hậu Brexit.

Trên mặt trận bên ngoài, vô số thách thức đang đè nặng lên Brussels trong bối cảnh mà Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng châu Âu Donald Tusk gọi là thực tế địa chính trị mới của EU.

Năm 2017, ông đã chỉ ra những sức ép này bao gồm một nước Nga và Trung Quốc ngày càng quyết đoán; tình trạng bất ổn định ở Trung Đông góp phần dẫn đến những vấn đề về di cư đang tác động mạnh đến lục địa này; và sự không chắc chắn về chính sách của Washington với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ Brexit và kêu gọi sự ra đi hơn nữa của các nước thành viên EU.

[Quan chức Liên minh châu Âu lạc quan về triển vọng Brexit có trật tự]

Bên cạnh đó, Nga và Mỹ, hai nước không thuộc EU chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình cách thức diễn ra Brexit trong bức tranh đang thay đổi của châu Âu và thế giới đa cực rộng lớn hơn.

Chắc chắn các cường quốc khác như Trung Quốc cũng sẽ chi phối, nhưng chủ yếu sẽ là những lựa chọn của Washington và Moskva - can dự, lợi dụng hay phớt lờ - sẽ hình thành nên bối cảnh trong đó Brexit diễn ra. Moskva biết rằng Nga có thể được lợi từ một EU ngày càng rạn nứt, đặc biệt là khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc đẩy Liên minh Âu-Á.

Hơn nữa, ông Putin giờ đây chắc chắn hoan nghênh kịch bản theo đó giai đoạn hậu Brexit kéo dài và EU buộc phải tập trung nhiều hơn vào những thách thức về cải cách nội bộ và có khả năng tập trung ít hơn vào các vấn đề bên ngoài như Ukraine, vấn đề mà Moskva và Brussels đang bất đồng.

Trong khi đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra không mấy thiện cảm đối với khối này là khá lớn, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế, do thặng dư thương mại hàng hóa lớn của châu Âu đối với Mỹ. 

Sự tương phản không thể rõ nét hơn giữa lập trường của Trump và thái độ của Mỹ khi tiến trình hội nhập châu Âu bắt đầu. Trong bài phát biểu về mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương năm 1962, cố Tổng thống Mỹ John Kennedy đã ủng hộ mạnh mẽ sự hội nhập của châu Âu.

Tuy nhiên, các chính quyền Mỹ sau đó, đặc biệt là Chính quyền dưới thời cựu Tổng thống George W Bush, đã dần trở nên nước đôi hơn khi sự hội nhập châu Âu trở nên sâu sắc. Và Tổng thống Trump dường như là con người hoàn toàn khác biệt.

Thực tế địa chính trị mới này đã làm tê liệt EU trong vấn đề cải cách, trong đó có Kế hoạch Hành động Phòng thủ châu Âu. Kế hoạch này chủ trương hợp tác quân sự lớn hơn giữa các nước thành viên và đảo ngược xu hướng cắt giảm ngân sách cho quốc phòng kéo dài khoảng một thập kỷ ở lục địa này.

Một tín hiệu nữa báo hiệu sự thay đổi ở đây là những khẳng định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker rằng EU cần có quân đội của riêng mình để có thể đối phó một cách đáng tin cậy hơn trước những mối đe dọa nhằm đem lại hòa bình cho các nước thành viên hoặc các nước ở khu vực lân cận. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, một lực lượng như vậy vẫn chỉ là khát vọng lâu dài.

Ở bên ngoài, Brexit cũng đang làm thay đổi mối quan hệ của Brussels với các nước châu Âu không thuộc EU, trong đó có Na Uy, Thụy Sỹ, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Lichtenstein và các nước không thuộc EU ở Balkans.

Mỗi nước phát triển quan hệ với Brussels nhằm mục đích coi đó là phương tiện để cuối cùng có thể trở thành thành viên EU, hay ít nhất có quan hệ chặt chẽ hơn với EU, nhưng Brexit đã khiến cho những mục tiêu này trở nên không chắc chắn. 

Trước một loạt thách thức và cơ hội phức tạp mà khối này đang phải đối mặt, sự thay đổi có ý nghĩa giờ đây đang nằm trong những chương trình dành cho EU.

Cách thức phản ứng của Brussels một cách tập thể sẽ giúp định hình không chỉ mối quan hệ tương lai của khối này với Anh, mà còn xác định vị trí rộng lớn hơn của khối trên thế giới vào thời điểm có những biến động địa chính trị lớn từ châu Á-Thái Bình Dương cho đến châu Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục