Ngày 13/9, Đức đang đứng trước áp lực mới về tăng chi tiêu công và giúp phục hồi nền kinh tế, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo Berlin đã chạm đến giới hạn khả năng ngăn ngừa suy thoái.
Trước đó một ngày, để tránh nguy cơ suy thoái, Hội đồng thống đốc ECB đã nhất trí thông qua một gói biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vượt qua các cú sốc từ bên ngoài.
Cụ thể, ECB quyết định cắt giảm lãi suất tiền gửi từ -0,4% xuống mức thấp kỷ lục mới -0,5%, đồng thời tái khởi động chương trình mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ euro/tháng kể từ tháng 11/2019 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Eurozone và ngăn chặn những dự đoán đầy quan ngại về lạm phát.
Trước tỷ lệ lạm phát sụt giảm, nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức đang đứng trước nguy cơ suy thoái và xung đột thương mại trên thế giới đang tác động tiêu cực tới niềm tin của người tiêu dùng, ECB đã cam kết tăng cường hỗ trợ nền kinh tế Eurozone và vấn đề chỉ là quy mô của các biện pháp hỗ trợ này.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng hối thúc các chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để vực dậy kinh tế. Thông điệp này là dành cho Đức, quốc gia vốn duy trì chính sách tài chính thận trọng.
[ECB quyết định hạ lãi suất, tái khởi động chương trình mua trái phiếu]
Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng tài chính 19 nước sử dụng đồng euro (Eurogroup), Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Mario Centeno nhấn mạnh rằng những quốc gia còn đủ năng lực tài chính nên sử dụng nó để chống lại sự suy thoái kinh tế. Hành động này không chỉ vì đoàn kết với các thành viên khác mà trước hết là vì lợi ích của chính nước đó.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng kêu gọi Đức từ bỏ chính sách chi tiêu thấp và hối thúc các nước không nên hài lòng với mức tăng trưởng hiện nay Eurozone. Theo ông, đây là thời điểm để đưa ra quyết định, tăng đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, thịnh vượng và tạo thêm việc làm trong Eurozone.
Trong khi đó, người đồng cấp Luxembourg Pierre Gramegna cũng cho rằng những nước đã cân đối ngân sách hiệu quả và có khả năng điều động tài chính nên tận dụng công cụ này.
Kinh tế Đức đang bị chững lại do ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cũng như lo ngại ngày càng lớn về Brexit bất ổn có thể làm tổn hại đến cường quốc về xuất khẩu này. Tuy nhiên, Đức vẫn tiếp tục chủ trương ngân sách thâm hụt bằng không bất chấp lời kêu gọi tăng chi tiêu các chuyên gia kinh tế hàng đầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu.
Trước sự hối thúc của ECB, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng đây chỉ là một thể chế tài chính độc lập. Mặc dù Đức vẫn chưa từ bỏ chủ trương ngân sách cân đối suốt năm năm qua, song các nguồn tin thân cận khẳng định Berlin sẽ công bố một gói chi tiêu, trong trường hợp kinh tế châu Âu suy yếu rõ nét hơn./.