Theo phóng viên TTXVN tại Anh, tối 13/5, phố Downing cho biết Thủ tướng Theresa May sẽ vẫn tiếp tục đàm phán với Công đảng về thỏa thuận Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), trong bối cảnh nội các Anh quan ngại những yêu cầu của Công đảng có thể dẫn đến rạn nứt trầm trọng trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hai bên vừa kết thúc cuộc đàm phán tối 13/5, tuy nhiên chính phủ Anh không cho biết cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai bên sẽ diễn ra khi nào.
Cuộc đàm phán tìm kiếm sự thỏa hiệp với Công đảng của Thủ tướng Theresa May đã bước sang tuần thứ 6.
[Chủ tịch EC Donald Tusk: Khả năng không có Brexit là 20-30%]
Phiên họp cuối cùng đã kết thúc tối 13/5 nhưng không đạt được bước tiến đáng kể nào, trong khi một số nhân vật cao cấp của Công đảng thừa nhận cuộc đàm phán của họ với đảng Bảo thủ "gần sụp đổ."
Về phía chính phủ, Bộ trưởng Thương mại Liam Fox - người đứng đầu phe phản đối việc chấp thuận yêu cầu về một liên minh thuế quan vĩnh viễn với EU của Công đảng - cho rằng đề xuất này sẽ cản trở nước Anh có được một chính sách thương mại độc lập hoàn toàn với EU.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jerremy Hunt, tối 13/5, tuyên bố rằng bất cứ thỏa thuận nào bao gồm nội dung về một cuộc trưng cầu ý dân lần hai như yêu cầu của một số nghị sỹ Công đảng sẽ là một sự "phản bội" đối với những cử tri bỏ phiếu để Anh rời EU.
Hai đề xuất trên được coi là một trong những điều kiện quan trọng mà Công đảng đưa ra đối với Thủ tướng Theresa May để đổi lấy là phiếu ủng hộ của các nghị sỹ Công đảng khi đem thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Hạ Viện trong lần tiếp theo.
Nội các Anh đã có cuộc họp quan trọng vào ngày 14/5, trong bối cảnh phố Downing ngày càng cảm nhận rõ rệt việc Thủ tướng May không còn nhiều thời gian để thực thi Brexit trước khi đảng Bảo thủ có những bước đi nhằm phế truất bà.
Nhiều người dự đoán rằng đảng Bảo thủ sẽ bị thất bại nặng nề tại cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào ngày 23/5 tới, và điều này sẽ tạo sức ép nặng nề để buộc Thủ tướng Theresa May từ chức.
Theo tờ Financial Times số ra ngày 13/5, các cuộc bàn luận không chính thức trong giới quan chức chính phủ hiện nay đó là khi nào sẽ diễn ra cuộc bầu ngôi vị lãnh đạo mới, và một số người dự đoán rằng thủ tướng mới của nước Anh có thể sẽ nhậm chức vào giữa hoặc cuối tháng 7/2019.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond đã lên tiếng kêu gọi cần sớm có cuộc chạy đua giành chức Thủ tướng.
Những bộ trưởng thuộc phe gần gũi EU - gồm Bộ trưởng việc làm và hưu trí Amber Rudd, Bộ trưởng kinh doanh Greg Clark, và Bộ trưởng Tư pháp David Gauke - đều thừa nhận rằng Thủ tướng sẽ sớm phải chuyển sang kế hoạch B nếu như các cuộc đàm phán với Công đảng không đem lại kết quả.
Phố Downing cũng cho biết họ đã sẵn sàng tiến hành hàng loạt các cuộc bỏ phiếu tại Hạ Viện về các lựa chọn khác cho Brexit nếu như đàm phán với Công đảng thất bại.
Vấn đề ở chỗ là phe ủng hộ EU trong nội các thì cho rằng vấn đề bế tắc Brexit cần sớm kết thúc thông qua việc đạt được một thỏa thuận giữa chính phủ và Công đảng vì các hoạt động kinh doanh yêu cầu vấn đề Brexit sớm có những quyết định rõ ràng.
Trong khi đó, phe hoài nghi châu Âu trong nội các thì muốn Thủ tướng May chấm dứt cuộc đàm phán với Công đảng vì cho rằng yêu cầu chính yếu của đảng này về một thỏa thuận thuế quan vĩnh viễn với EU sẽ khiến Anh bị chặn bới "bức tường" thuế khóa của EU.
Về phía mình, Thủ tướng May cũng lo ngại bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến thuế quan sẽ khiến nội bộ đảng Bảo thủ bị chia rẽ.
Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn ngày 13/5 cũng đưa ra cảnh báo rằng đảng của ông sẽ không ủng hộ bất cứ thỏa thuận nào nếu như không gắn với cam kết về một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai.
Keir Starmerm - Bộ trưởng Brexit trong "nội các bóng tối" của Công đảng - cho biết có khoảng 120-150 nghị sỹ Công đảng sẽ không bỏ phiếu tán thành bất cứ thỏa thuận nào mà không có nội dung cam kết một cuộc trưng cầu ý dân lần hai.
Tuy nhiên, Thủ tướng May đã nhiều lần bác bỏ điều này.
Phố Dowing hiện vẫn hy vọng có thể trình dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU trước ngày diễn ra bỏ phiếu Nghị viện châu Âu.
Tuy nhiên, nếu không có sự ủng hộ của Công đảng thì rất khó có khả năng dự thảo Brexit này được thông qua tại Hạ viện.
Thủ tướng May cho biết bà sẽ không trình chương trình nghị sự mới cho đến khi nào vấn đề Brexit được giải quyết.
Trên thực tế, chương trình nghị sự mới sẽ có thể được trình bởi một thủ tướng mới vì bà May từng nói bà sẽ từ chức ngay sau khi nước Anh rời EU./.