Bức graffiti gây sốt và nước mắt của đứa trẻ trước quả bóng

Những bức tranh đường phố phản đối chính phủ tổ chức World Cup 2014 thì nhiều vô kể, nhưng ấn tượng nhất và gây xôn xao nhất vẫn là bức graffiti ở Sao Paulo.
Bức graffiti gây sốt và nước mắt của đứa trẻ trước quả bóng ảnh 1Bức graffiti gây sốt và nước mắt của đứa trẻ trước quả bóng. (Ảnh: Đức Lộc/Vietnam+)

Ở Brazil, gần như đi đâu cũng thấy graffiti, với đủ loại thông điệp. Những bức tranh đường phố phản đối chính phủ tổ chức World Cup 2014 thì nhiều vô kể, nhưng ấn tượng nhất và gây xôn xao nhất vẫn là bức graffiti ở Sao Paulo.

1. Tác giả của graffiti ấy là Paulo Ito, 36 tuổi. Chúng tôi liên lạc với anh qua Facebook, hẹn anh qua điện thoại và khi đến nơi thì gặp một nhóm khác. Họ là phóng viên của UOL, trang web số 1 của Brazil, với lượng truy cập mỗi tháng lên đến 4,3 tỷ view. Truy cập trang web của họ, tin tức nhiều và đang dạng khủng khiếp, với đủ loại hình khác nhau.

Chúng tôi, những đồng nghiệp, cảm thấy bất ngờ về nhau. Chúng tôi bất ngờ vì mãi đến bây giờ họ mới biết đến graffiti này. Họ thì bất ngờ vì đội tuyển Việt Nam không dự World Cup mà phóng viên Việt Nam vẫn có mặt đưa tin, lại còn biết về graffiti này. Sự khác biệt về quan điểm nằm ở đó.

Bức graffiti của anh Paulo vẽ một đứa trẻ da màu hai tay cầm dao nỉa, đang khóc thảm thiết trước quả bóng đặt trên cái dĩa. Bối cảnh là một căn phòng bằng gỗ tồi tàn, bàn ghế cũ rích. Thông điệp của graffiti này rất rõ ràng: Những đứa trẻ, người dân ở khu ổ chuột cần “food” (thức ăn) hơn là “football” (bóng đá), việc Brazil đăng cai World Cup 2014 chỉ khiến họ càng nghèo đói. Rất trực diện, dễ hiểu và để lại ấn tượng mạnh mẽ.

Với người dân và giới truyền thông Brazil, bức graffiti này là bình thường, như hàng vạn, hàng triệu graffiti khác trên đất Brazil. Nhưng du khách và cánh phóng viên nước ngoài như chúng tôi thì lại thấy đặc sắc. Từ trước đến nay, người nước ngoài luôn nghĩ rằng dân Brazil ăn bóng đá, ngủ bóng đá. Bóng đá với họ là sự sống, là tôn giáo, là tín ngưỡng. Đứa trẻ nào cũng cảm thấy hạnh phúc, vui sướng khi thấy quả bóng. Thế mà đứa trẻ ở Brazil lại khóc thảm thiết trước quả bóng.

2. Nước mắt của đứa trẻ đã tạo nên cơn sốt mạnh mẽ trên toàn thế giới, đặc biệt sau khi tờ Telegraph nổi tiếng ở Anh đưa tin. Khi cả thế giới xôn xao, báo chí, truyền thông của Brazil không thể đứng ngoài cuộc. Họa sỹ Paulo kể rằng anh đã trả lời phỏng vấn của khoảng 100 đài báo khác nhau. Anh còn tiết lộ đã làm quen với một người Việt Nam qua facebook. Người Việt ấy còn dạy cho anh cả tiếng Việt, Paulo còn phân biệt được lớn tuổi thì làm “anh”, nhỏ tuổi thì xưng là “em.”

 

Graffiti này cùng sự đồng cảm đã đưa họ đến với nhau. Đói nghèo thì ở đâu cũng có. Anh Paulo không hề quá mê bóng đá, chỉ xem vài trận ở World Cup này. Anh không chống đối chính phủ, không tham gia biểu tình. Anh mong muốn chính phủ Brazil tiếp tục đấu tranh chống đói nghèo, cải thiện đời sống cho trẻ em nói riêng và người dân nói chung ở các khu ổ chuột.

Bức graffiti gây sốt và nước mắt của đứa trẻ trước quả bóng ảnh 2Họa sỹ Paulo Ito đứng trước bức graffiti nổi tiếng. (Ảnh: Đức Lộc/Vietnam+)

Anh chỉ mất 7 tiếng để phản ánh một vấn đề nhức nhối của Brazil qua bức tranh này. Giờ thì ngày nào anh cũng mất chừng đó tiếng để trả lời phỏng vấn, giới thiệu với thế giới về bức graffiti. Anh cảm thấy rất hạnh phúc vì sức lan tỏa của graffiti này đang lớn dần qua từng ngày, từ đó sẽ khiến chính phủ Brazil quan tâm hơn đến vấn đề ổ chuột, không nhiều thì ít.

3. Các đồng nghiệp của UOL cảm thấy tiếc vì đến lúc này họ mới biết và tin rằng graffiti này sẽ có tác động tích cực lâu dài chứ không chỉ trong dịp World Cup: “Người dân Brazil vẫn đang sống và vui vẻ với không khí World Cup. Nhưng sau khi giải đấu kết thúc, chúng tôi chắc chắn sẽ lại có biểu tình rầm rộ.”

Vì những đứa trẻ đói nghèo vẫn khóc trước quả bóng. Dù đây là Brazil.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/ TTXVN)

World Cup 2018: Những chiếc ghế trống trên khán đài VIP

Theo lý giải của ông Colin Smith, Giám đốc các giải đấu của FIFA, nhiều cổ động viên VIP đã mua vé nhưng lại không đến sân, thay vào đó họ lựa chọn xem bóng đá tại một địa điểm khác qua truyền hình.