Kỳ đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng năm nay đã đi được nửa chặng đường. Đây được cho là giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng với trọng tâm thu gọn đầu mối ngân hàng theo hình thức mua bán, sáp nhập.
Việc một số cặp ngân hàng, cụ thể là các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ sáp nhập vào với ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, cho thấy lộ trình của Ngân hàng Nhà nước đã phần nào hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, sẽ còn bao nhiêu cặp đôi ngân hàng được sáp nhập, hợp nhất? Và số phận của bao nhiêu ngân hàng nữa sẽ phải đối diện trước câu chuyện tồn tại hay không tồn tại?
Những mảnh ghép đầu tiên trong năm
Sau hàng năm trời thương thảo thì vào cuối tuần qua, cả hai ngân hàng là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cùng tổ chức Đại hội cổ đông. Thông tin được cổ đông và nhà đầu tư chú ý nhiều nhất chính là thương vụ sáp nhập giữa hai ngân hàng này bởi cả hai tổ chức tín dụng này đều do Nhà nước giữ tỷ lệ chi phối.
Đại hội đã biểu quyết thông qua BIDV sáp nhập với MHB theo tỷ lệ hoán đổi cố phiếu 1:1 và theo hình thức bàn giao nguyên trạng.
Nhiều cổ đông của BIDV đặt câu hỏi, tại sao lại là tỷ lệ 1:1 khi mà BIDV lớn gấp nhiều lần MHB như vốn điều lệ của BIDV hiện tại là 28.112 tỷ đồng, lớn gấp 8 lần MHB (3.369 tỷ đồng). Về tổng tài sản, năm 2014, BIDV cũng lớn hơn MHB tới 14,5 lần, lợi nhuận trước thuế cũng gấp tới 38 lần...
Về vấn đề này, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV lý giải, do cả 2 ngân hàng sở hữu của Nhà nước đều giữ tỷ lệ chi phối. Vì vậy, bản chất của việc sáp nhập này là chuyển dịch sở hữu nhà nước từ ngân hàng này sang ngân hàng kia.
“Khi sáp nhập vào, thị giá BID theo tôi cũng sẽ không thay đổi mà chỉ tốt lên. Còn trên OTC, giá cổ phiếu MHB đang nhích lên,” ông Bắc Hà nhận định.
BIDV hiện có thế mạnh ở các thành phố lớn và khu công nghiệp, còn MHB có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.
"Sáp nhập sẽ giúp tăng cường năng lực của BIDV trong mảng nông nghiệp nông thôn," Chủ tịch BIDV nhận định. Nhà băng này đang lên kế hoạch tập trung cho vay chăn nuôi, phát triển cây công nghiệp, rau củ quả ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, MHB là ngân hàng chuyên về bán lẻ, điều này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho BIDV, vốn chuyên cho vay những khoản lớn.
Trước đó, số phận của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) cũng đã được định đoạt về cùng một nhà với ông lớn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) với tỷ lệ hoán đổi 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,9 cổ phiếu VietinBank.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, việc để tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu của hai cặp trên được cho là phù hợp trong điều kiện hiện nay vì cả BIDV và VietinBank đều là những ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên quyền quyết định chính vẫn thuộc về nhà nước.
"Đối với trường hợp cụ thể là BIDV-MHB thì cả hai ngân hàng đều là chủ sở hữu nhà nước trên 90% nên cổ đông chính vẫn là nhà nước mà đã gọi là nhà nước thì thiệt thòi từ bên này sang bên kia cũng không cần phải tính toán cụ thể," ông Lực nhận định.
Chuyên gia này cũng thừa nhận: Đúng là một số cổ đông nhỏ lẻ cũng có thể bị pha loãng một chút và họ có thể cảm thấy hơi thiệt thòi nhưng rõ ràng về lâu dài với sự cộng hưởng của hai bên và nếu như ngân hàng sau sáp nhập làm ăn có lãi thì sẽ làm lợi cho cổ đông cả hai bên.
Như vậy, 2 trong 3 thương vụ sáp nhập có sự tham gia của các ngân hàng lớn đã chính thức được xác định. Thương vụ được theo dõi còn lại là sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Saigonbank) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương (Vietcombank). Hiện tại, Vietcombank là cổ đông lớn tại Saigonbank, sở hữu gần 10% có lẽ việc sáp nhập sẽ sớm diễn ra khi gần đây Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương này.
Ngoài 3 thương vụ lớn trên, trước đó việc Maritime Bank hợp nhất với Mekong Bank, các phương án tái cơ cấu liên quan đến Sacombank-SouthernBank, NamABank - Eximbank, ABBANK-DongABank… hay trường hợp PGBank gần đến thời điểm mới có quyết định đã cho thấy thời điểm chốt của lộ trình tái cơ cấu như khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng thương mại cổ phần vẫn chưa có phương án xử lý như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu (GPBank)...
Liệu có là gánh nặng cho các "ông lớn"?
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là giảm xuống còn 20 ngân hàng trong toàn hệ thống và riêng trong năm nay, sẽ có khoảng 6 - 7 thương vụ sáp nhập.
Điều đáng ngại nhất trong việc sáp nhập một ngân hàng nhỏ vào một ngân hàng lớn là việc chất thêm gánh nặng cho "ông lớn" khi phải gánh thêm nợ xấu, chất lượng hoạt động và bộ máy yếu kém.
Tuy nhiên, trong các cặp đôi này, các chuyên gia cho rằng dường như không đáng ngại khi quy mô của MHB quá nhỏ so với BIDV trong khi chất lượng hoạt động không quá tệ nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến tổng tài sản, nợ xấu và kết quả kinh doanh của BIDV trong năm nay.
Dù lường trước sẽ có rất nhiều việc phải làm để sáp nhập diễn ta đúng mong muốn nhưng ông Trần Bắc Hà khá tự tin cho rằng, dự kiến lợi nhuận cả năm 2015 của BIDV có thể vượt mốc 7.500 tỷ đồng đề ra. Tỷ suất lợi nhuận và cổ tức sẽ cao hơn. Theo thống kê, lợi nhuận quý I mới cập nhật của BIDV đạt 1.835 tỷ đồng và nợ xấu là 2,1%.
Còn tại Đại hội cổ đông của VietinBank, đa phần cổ đông của VietinBank đều khá hài lòng với Đề án sáp nhập PGBank vào VietinBank.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, việc VietinBank sáp nhập với PGBank có nhiều lợi ích. Thứ nhất là sau sáp nhập, tổng tài sản của VietinBank sẽ tăng thêm 25.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 3.000 tỷ đồng lên trên 40.000 tỷ đồng.
Tiếp đến là tận dụng mạng lưới mấy chục chi nhánh và phóng giao dịch của PGBank trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước hạn chế mở mới chi nhánh phù hợp với định hướng tập trung bán lẻ của VietinBank
Cuối cùng là có thêm khách hàng tốt từ Tập đoàn Xăng dầu cũng như mạng lưới hơn 2.000 cây xăng đang cung cấp dịch vụ của PGBank và đẩy mạnh dịch vụ tài chính cho nhóm khách hàng của Petrolimex.
Đánh giá cao về quá trình sáp nhập này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chủ trương này khá phù hợp với thông lệ quốc tế, là sáp nhập hợp nhất một ngân hàng yếu với một ngân hàng khỏe để hình thành một số định chế tài chính lớn có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.
Câu chuyện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới, nhiều cặp đôi ngân hàng cũng sẽ tiếp tục được hình thành sau hợp nhất. Khoảng hơn 10 ngân hàng sẽ không còn tồn tại trên thị trường, đây chắc chắn là một con số không nhỏ nhưng để hệ thống ngân hàng Việt Nam lành mạnh an toàn hơn thì việc loại bỏ những ngân hàng yếu kém là lộ trình sẽ phải thực hiện./.