Theo trang theconversation.com, ngày 22/11 đăng bài của Tiến sỹ Anneli Botha, giảng viên về nghiên cứu chính trị và quản trị thuộc Đại học Free State (Nam Phi) và tư vấn viên của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), phân tích tình hình khủng bố tại điểm nóng Đông Phi, nội dung như sau:
Hai điểm nóng khủng bố chính
Đầu tiên là Somalia. Somalia đã trải qua bất ổn liên tục kể từ năm 1991, do sự cạnh tranh của các “lãnh chúa” và thiếu sự hiện diện hiệu quả của chính quyền trung ương.
Tình trạng vô chính phủ đã giúp Al-Qaeda có chỗ đứng vững chắc trong khu vực. Sự can thiệp của Ethiopia (năm 2006) đã đổ thêm dầu vào lửa sau khi tổ chức khủng bố Liên minh Tòa án Hồi giáo (ICU) được thành lập vào đầu những năm 2000.
Năm 2005, Al-Shabaab được thành lập với tư cách là chi nhánh của ICU và trở thành tổ chức khủng bố hoạt động mạnh nhất tại Somalia. Kể từ đó, Al-Shabaab đã mở rộng các cuộc tấn công sang Uganda, Djibouti và Kenya.
Al-Shabaab đã tuyển mộ các cộng đồng bị gạt ra bên lề ở Kenya, cũng như các tay súng từ Uganda, Tanzania, Djibouti, Mỹ và châu Âu.
Thứ hai, tương tự như Somalia, phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo là một điểm nóng kể từ cuộc nội chiến ở nước này từ năm 1997-2003. Khu vực không có chính quyền quản lý này trở thành địa điểm “an toàn” cho hơn 100 tổ chức nổi dậy có thể đặt trụ sở hoạt động.
[Tấn công tại Niger và Nigeria khiến nhiều người thiệt mạng]
Các nhóm như Lực lượng Dân chủ đồng minh và Quân đội Kháng chiến của Chúa từ Uganda, dưới áp lực của lực lượng an ninh Uganda, đã thiết lập ở miền Đông Cộng hòa dân chủ Congo cùng với những nhóm khác sau cuộc diệt chủng Rwandan năm 1994. Tại Cộng hòa dân chủ Congo, các cộng đồng địa phương trong khu vực hoạt động của Lực lượng Dân chủ đồng minh đã phải chịu hậu quả của các cuộc tấn công.
Nguyên nhân của các cuộc tấn công khủng bố trong khu vực
Nguyên nhân sâu xa của các cuộc tấn công khủng bố xuất phát từ trong nước, có nguồn gốc từ lịch sử của mỗi quốc gia. Không có một “hồ sơ” hoặc lý do duy nhất dẫn tới tình trạng này, mà đó là sự tổng hòa của các yếu tố - chính trị, xã hội và kinh tế - vốn không thể tách rời các sự kiện khu vực và quốc tế.
Câu hỏi chính là tại sao bất kỳ ai cũng muốn tham gia một tổ chức cực đoan bạo lực nào đó, mạo hiểm tính mạng hoặc có thể bị bắt.
Một số tay súng tham gia một cách tự nguyện. Nền chính trị bản sắc, do sự chia rẽ hiện hữu về dân tộc và tôn giáo, tình trạng bị gạt ra bên lề và sự thất vọng, có thể khiến những người này gia nhập các tổ chức cực đoan bạo lực. Bên cạnh đó, những người khác sẽ tham gia vì lý do tài chính.
“Cú hích” cuối cùng liên quan đến cách thức lực lượng an ninh ứng phó với mối đe dọa khủng bố. Thái độ giận dữ và thù hận đối với các chính phủ và lực lượng an ninh đã khiến một bộ phận tham gia vào các tổ chức cực đoan bạo lực.
Một số bị lừa tham gia mà không biết họ đã đăng ký để làm gì. Những người khác bị ép buộc, đặc biệt là ở những nơi việc từ chối tham gia có thể được hiểu là gián điệp cho chính phủ, như đã chứng kiến ở Somalia.
Ở Somalia, các yếu tố tôn giáo-dân tộc đã tạo điều kiện cho việc tuyển mộ của Al-Shabaab. Điều này kéo theo sự can thiệp của Ethiopia (do Mỹ hỗ trợ), sau đó là Uganda, Kenya và Djibouti (các nước đóng góp quân cho Phái bộ Liên minh châu Phi).
Đây được coi là việc “các quốc gia Cơ đốc giáo” xâm lược một quốc gia Hồi giáo. Đó là một phần trong bối cảnh lớn hơn, bắt đầu với sự can thiệp của Mỹ và phương Tây vào Afghanistan, nhưng đặc biệt là Iraq sau vụ 11/9.
Các chính phủ đối phó như thế nào?
Cách thức phản ứng của các chính phủ phụ thuộc vào mức độ kiểm soát của chính phủ đối với lãnh thổ đó. Ở những nơi chính phủ không có hoặc có quyền kiểm soát hạn chế, quân đội sẽ đi đầu trong hoạt động chống nổi dậy (như đã thấy ở Somalia và miền Đông CHDC Congo).
Khi sự kiểm soát của chính phủ tăng lên, cảnh sát sẽ thể hiện vai trò chủ lực. Việc tôn trọng nhân quyền trong khi chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực và chủ nghĩa khủng bố đã tỏ ra đặc biệt khó khăn dưới sự chỉ huy của quân đội. Một phần là do trọng tâm của quân đội không phải là thu thập chứng cứ để xác lập một vụ án hình sự.
Các chính phủ trên toàn thế giới hiếm khi xem xét vai trò của nhà cầm quyền đối với sự tức giận của người dân và việc người dân bị gạt ra bên lề xã hội. Tuy nhiên, đó là một nguyên nhân cốt lõi quan trọng. Người dân cảm thấy bị gạt ra bên lề nếu sự phát triển ở phần đất họ sinh sống bị phớt lờ bởi họ không ủng hộ một số chính trị gia nhất định.
Mức độ thành công?
Các chính phủ đã không hoàn toàn thành công trong đối phó với khủng bố, do một số thách thức chính. Thứ nhất, năng lực và huấn luyện hạn chế của lực lượng an ninh, cũng như lịch sử quan hệ rất hạn chế giữa nhà nước, lực lượng an ninh và công chúng trên khắp lục địa.
Cải cách lĩnh vực an ninh và các sáng kiến trị an cộng đồng đòi hỏi sự tin tưởng, cống hiến và thời gian.
Thứ hai, các chính phủ ở châu Phi có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào quân đội (đảm bảo chế độ của giới tinh hoa cầm quyền) chứ không phải vào cảnh sát và khuôn khổ tư pháp hình sự rộng hơn (bao gồm cơ quan tư pháp và nhà tù).
Thứ ba, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ không chỉ thuộc trách nhiệm của các cơ quan an ninh, mà đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện của các chính phủ bắt đầu từ quản trị tốt và cung cấp các hàng hóa công cơ bản một cách bình đẳng.
Vai trò của các chủ thể khác?
Các tổ chức quốc tế - ví dụ như Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), thông qua Văn phòng UNODC tại khu vực Đông Phi và Interpol - và cộng đồng quốc tế đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng năng lực và cung cấp thiết bị cho các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực, dưới sự hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác Cảnh sát trưởng Đông Phi (EAPCCO).
Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ và một xã hội dân sự đang phát triển, thông qua nghiên cứu và làm việc với các cộng đồng dễ bị tổn thương, sẽ cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ quan trọng.
Chính phủ và các cơ quan an ninh phải sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ và hành động có trách nhiệm để ngăn chặn và chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Ở phía Đông châu Phi, khoản đầu tư này đã bắt đầu có kết quả. Điều này rõ ràng nếu chúng ta so sánh các cuộc tấn công DusitD2 ở Nairobi vào năm 2019, khi cơ quan thực thi pháp luật dẫn đầu, với cuộc tấn công Westgate năm 2013, khi quân đội dẫn đầu.
Không phải tất cả các quốc gia đều nhận được hỗ trợ trong toàn khu vực. Các quốc gia riêng lẻ cũng không thể giải quyết được mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tội phạm có tổ chức luôn đặt ra những thách thức xuyên quốc gia.
Do đó, cần có những nỗ lực phối hợp, hợp tác và nâng cao năng lực để giải quyết mối đe dọa ngày càng gia tăng vốn đang có ảnh hưởng lan rộng đến miền Nam châu Phi./.