Tôi vốn thích thơ Bùi Kim Anh ngay từ thuở mới tập làm thơ còn chị đã có danh trên thi đàn, dù không “nổi vang” như các nhà thơ cùng thời: Phạm Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Ý Nhi, Giáng Vân, Dư Thị Hoàn, Thảo Phương…
Không hiểu sao thơ của một cô giáo, làm thơ theo kiểu tay ngang lại có sức cuốn hút tôi kỳ lạ, có lẽ tôi đọc ở đó có điều gì đồng cảm dù chưa đủ tuổi để hiểu rằng đó là dự báo cho con đường số phận của mình sau này, một người nghiệp chọn làm thơ song hành cùng nghề báo của tôi, nghề giáo của chị.
Đọc thơ Bùi Kim Anh luôn cảm nhận thấy những nỗi niềm sâu nặng trăn trở ẩn chứa sau từng con chữ về tình yêu, tình mẫu tử, về nhân tình thế thái, cảm nhận thấy cả tiếng thở dài dồn nén, cả vết đi của thời gian, tuổi tác, của số phận…Và những nỗi niềm sâu nặng ấy cứ ngày một trĩu hơn, đong đầy hơn theo năm tháng, qua những vần thơ, bài thơ của chị, lần lượt từ “Viết cho mình”- 1995 “Cỏ dại khờ”- 1996; “Lối mưa”- 1997; “Bán không cho gió”- 2005; “Lời buồn trên đá”- 2007; “Lục bát cuối chiều”- 2008; “Bắc lên ngọn gió mà cân”-2010; “Đi tìm đi giấc mơ”- 2012 và giờ là “ Nhặt lời cho bóng lá”- 2015.
Tôi có lần nói với Bùi Kim Anh “thơ nó ác lắm chị ạ, nó bóc trần mọi thứ bên ngoài để đưa tim gan của mình cho mọi người đọc,” chị cười hiền: “Thơ mà còn dối được ư em?” Ôi, đúng là Bùi Kim Anh, người mà thơ chọn như một duyên nghiệp, như chị tự nhận:
“Có người đàn bà dở hơi
hằng đêm thức để tìm lời cho thơ…” ( Rủ ai quên lãng ngày xưa).
Thơ với Bùi Kim Anh như một sự cứu rỗi, một người bạn tâm tình để chị thổ lộ hết những vui buồn đời mình, mà day dứt với người đọc, với bạn thơ, văn là nỗi buồn dường như lấn át, còn niềm vui thảng qua, hiếm hoi:
“ Người đàn bà không ngủ được và
thơ thức
họ là bạn của nhau
...
bóc từng lớp lá ban ngày gói ý nghĩ
trụi trần bày trong màn đêm
khuya rất khuya
ta được dành cho ta tất cả” ( Người đàn bà không ngủ)
Và sự trụi trần trong màn đêm mà ta được dành cho ta, đã đưa một Bùi Kim Anh- vô cùng đàn bà, người đàn bà của gia đình, thầm lặng đón nhận và chấp nhận tất cả những đòn số phận, không oán than, trách móc, không nổi loạn bực bội phá phách, cũng không tiêu cực đau buồn. Hãy cùng đọc những dòng thơ Bùi Kim Anh viết cho con gái:
“Trong bụng mẹ làm sao biết ngoài kia gió mưa hay nắng ráo
sao mẹ lại sinh con trong cuộc đời của mẹ
để con mang nặng kiếp trần ai
cơn bệnh ngặt nghèo mù lòa gõ cửa
mong manh vặt vẹo tấm thân gày
…
thắt nhịp tim con thắt lòng mẹ tái xanh lời con trẻ
mẹ ơi…
con gái ơi…
ta chỉ còn biết an ủi bằng lời số phận
mẹ dựa vào cơn đau của con đi nốt quãng đời còn lại…” (Giấc con bình an)
Và đây nữa:
“Mẹ xin lỗi không hiểu gì năm tháng
đã sinh con vụng dại phận đàn bà
con cô đơn vật vã bệnh hiểm nghèo
mẹ không biết vọng vào đâu lời cầu xin thay đổi
…
con tha thứ hay giận hờn cũng vậy
người đàn bà làm thơ lại san lấp vào thơ
người đàn bà làm thơ khôn khéo cũng dại khờ
chỉ biết chọn đê ngã dòng lau giọt ướt” (Con tha thứ hay giận hờn cũng vậy)
Tôi luôn dung tưởng đến hình ảnh bông hồng màu tro sót lại sau trận bão lửa mà nàng Mecgi tặng cho Đức Cha trong cuốn tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mỗi lần gặp, đọc thơ hay nghĩ về Bùi Kim Anh. Chị y như vậy, đẹp mảnh mai với sức sống bền bỉ, không thể gió bão nào quật ngã, không thời gian nào có thể ảnh hưởng…
Bùi Kim Anh đã vượt qua tất cả mà chẳng ai biết, nếu như không có thơ giúp hé lộ với một sức chịu đựng vô biên mà tất cả những cú đòn ác hiểm của số phận không sao làm mất đi nụ cười ấm áp, ánh nhìn lãng đãng nhưng đầy bao dung, yêu thương với tất cả mọi người từ đôi mắt dẫu thời gian đã để lại những vết chân chim song không thể làm giảm đi sức quyến rũ của người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé ấy dù:
“Bất hạnh xô tôi lạc lõng trong cuộc đời mình
đêm mở mắt định hình ngày
đêm đẫm sương không biết được
lang thang trong cõi lặng tôi tìm
…
cõi này dẫu chỉ là cõi tạm thôi
thoang thoảng hương thơm
thoảng gió trời
trộn trạo buồn vui
nào ai nỡ
ồn ã ngoài kia tiếng của đời
một ngày tôi sẽ là ma
…
ngôi mộ nằm giữa cánh đồng
ngập hương lúa chín mênh mông
được mát mẻ, được lạnh lùng xênh xang
ước là thế giá là thế
tôi nhớ tôi cái ngày tôi về cõi
đẫn đờ hương khói
gặp người xưa lởn vởn bến đò
khua gì
vẫy gì
gọi gì
con đò thủng tôi sang sông
thôi
thôi
nhé “ (Nằm viện những ngày tháng Ba)
Cơ mà dẫu coi mọi thứ “nhẹ cánh hoa rơi” dẫu thôi, thôi nhé… nhưng con tim yêu đến tận cùng của yêu, của dâng hiến vẫn cứ yêu đến dại khờ, đau đớn, yêu đến không có khúc kết và tất cả vẫn là khởi đầu:
"thôi thì thay kết thúc bằng sự khởi đầu
và ta và người
và hoa lá và rác rưởi
và buổi sớm và chiều tối” ( Và sự khởi đầu)
Và mơ:
“Ước gì mình có nhau đây
để rồi tay chạm lòng tay thẹn thùng…”
rồi tỉnh trong thực:
“bàn tay già nua lạnh cóng
lời anh em lập cập dưới làn môi
ngập ngụa sự đời nhấn chìm âu yếm
tìm đâu say mê như thể lần đầu” ( Ngày 7/Mỗi ngày viết lung tung cho vợi ưu phiền)
Đã bị phụ:
“Sao người nỡ phụ tình ta
lẽ nào xuân phụ nét hoa bao giờ” (Chiều)
vẫn cứ thiết tha:
“Về đi anh
thu sắp tan rồi
đường Hà Nội se trong bụi lạnh
về đi anh
nghe em nói điều xưa không nói(Lối về hoa cúc).
Và cứ thế, người đàn bà yêu, người đàn bà thơ nén những nỗi niềm, những buồn đau, nén thời gian, bệnh tật… cần mẫn “nhặt lời cho bóng lá.”
“Nhặt lời cho bóng lá” gồm 47 bài thơ, được chia làm ba phần: Sợ rằng lục bát đã nhàu, Nhẹ cánh hoa rơi và Người ở trong thơ ta, là những lời thì thầm, là một lẽ sống tích cực, yêu đời, yêu người mà Bùi Kim Anh muốn gửi đến cho độc giả.
Những chiếc lá dù vàng, dù xanh, dù mảnh mai hay căng bật nhựa, dù lao xao trong nắng gió hay ướt mềm trong mưa vẫn hắt/ in/tỏa bóng xuống mặt đất để nhà thơ nhặt lên những lời ngân rung về tình yêu, về cuộc đời, về tình người:
“Về đi thơ về đi người
về trong bao chuyện khóc cười với nhau”(Cửa thiền có tiếng thở dài)./.