Theo phóng viên TTXVN tại tại châu Âu, ngày 22/5, Bulgaria đã bãi bỏ lệnh cấm du khách từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh vào nước này.
Bộ Y tế cho biết những du khách nhập cảnh vào Bulgaria vẫn phải cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, thời hạn 14 ngày sẽ không còn áp dụng cho công dân Bulgaria và công dân của các quốc gia EU khác vì lý do nhân đạo, cũng như đối với những đại diện trong các hoạt động thương mại, kinh tế và đầu tư.
Việc kiểm dịch cũng sẽ không áp dụng đối với những người liên quan trực tiếp đến xây dựng, bảo trì, vận hành và đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng chiến lược và quan trọng của Bulgaria.
Vào giữa tháng 3, Bulgaria đã cấm nhập cảnh đối với khách du lịch từ nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngày 19/5, Bulgaria đã đồng ý giảm bớt một số hạn chế đi lại với nước láng giềng Hy Lạp và Serbia kể từ ngày 1/6. Tính đến nay, Bulgaria có 2.331 ca nhiễm và 120 ca tử vong, một con số tương đối thấp ở châu Âu.
Trong một diễn biến khác, Latvia đang lên kế hoạch chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào ngày 9/6 tới. Thủ tướng Krišjāni Kariņš cho biết nước này sẽ tiếp tục tiến hành nới lỏng từng bước các hạn chế trong bối cảnh đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh với các hạn chế “tối thiểu.”
Cho đến nay, Latvia đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm và 21 ca tử vong. Latvia đã áp dụng tình trạng khẩn cấp từ ngày 13/3 và bắt đầu nới lỏng vào ngày 12/5.
Ngày 15/5, nước này đã mở lại biên giới với các nước láng giềng Baltic là Litva và Estonia, cho phép công dân của họ tự do đi lại. Ngoài người Litva và người Estonia, những công dân khác nhập cảnh vào Latvia vẫn phải kiểm dịch.
[Anh bắt buộc cách ly 14 ngày đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh]
Trong khi đó, Croatia thông báo kể từ ngày 29/5, nước này sẽ mở cửa biên giới cho công dân Slovakia, Séc, Hungary và Áo. Bộ trưởng Du lịch Gari Cappelli cho biết các công dân Slovakia, Séc, Hungary và Áo có thể đến Croatia với mục đích kinh doanh và không cần phải cách ly.
Croatia cũng đang chuẩn bị kế hoạch để tạo điều kiện thông thương tại các cửa khẩu biên giới. Theo Bộ trưởng Cappelli, nước này sẽ hướng tới việc mở cửa biên giới với các quốc gia trong khu vực khác, như Đức, Ba Lan và Italy, nhằm khôi phục kinh doanh từ ngành du lịch của Croatia.
Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 22/5, Tổng giám đốc Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) Nicola Magrini cho biết 5-6 loại vắcxin triển vọng phòng dịch COVID-19 đang có kết quả tốt và dự kiến sẽ được sản xuất vào mùa Xuân 2021.
Trong khi đó, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho biết tại tất cả các vùng, số ca mới đang giảm nhưng vẫn tồn tại sự khác biệt giữa các vùng và được chia thành 3 khu vực.
Đường cong dịch bệnh đang ổn định và giảm dần, tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng gia tăng số ca nhiễm trong những tuần tới, do đó khuyến cáo người dân không thể nới lỏng các biện pháp bảo vệ cá nhân.
Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố tổng số ca nhiễm tại nước này là 228.658, trong đó, 32.616 ca tử vong. Số ca hồi phục là 136.720 ca./.