Ngày 3/2, cảnh sát Bulgaria đã triệt phá một băng nhóm buôn người gồm bảy đối tượng liên quan tới các vụ đưa lậu hàng trăm người di cư qua các nước thuộc khu vực Balkan tới Tây Âu.
Nhóm này gồm sáu người Bulgaria và một người Afghanistan đã bị bắt khi cảnh sát tiến hành hàng loạt cuộc bố ráp tại nhiều thị trấn ở miền Nam và Tây Bulgaria. Băng nhóm này bị cáo buộc tổ chức buôn người từ tháng 1/2015.
Cũng trong cuộc vây bắt trên, cảnh sát đã tạm giữ 40 người di cư đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, đang trên đường tới Serbia.
Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, kéo theo hàng loạt vấn đề an ninh nảy sinh như khủng bố và nạn buôn người. Trong số hơn 1 triệu người tị nạn chiến tranh, nghèo đói và bóc lột, mạo hiểm tính mạng tìm đường tới châu lục này, khoảng vài chục nghìn người được cho là đã đi qua lãnh thổ Bulgaria, theo lối đường bộ để tránh hành trình vượt biển nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp.
Cũng liên quan đến vấn đề người tị nạn, cùng ngày Liên hợp quốc đã kêu gọi chính phủ Australia ngừng các hoạt động đưa hàng trăm người tị nạn tới đảo Nauru ngoài khơi Thái Bình Dương với cảnh báo hoạt động này có thể sẽ vi phạm luật nhân quyền quốc tế.
Trong thông báo đưa ra, Liên hợp quốc bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" khi nhóm đối tượng mà Australia cho phép đưa trở lại Nauru đều là những người dễ bị tổn thương như trẻ em và những nạn nhân từng bị lạm dụng tình dục. Việc làm này có thể vi phạm các quy định trong Hiến pháp nước này.
Lời kêu gọi được đưa ra ngay sau khi Tòa tối cao Australia ra phán quyết cho phép đưa khoảng 260 người tị nạn tới đảo Nauru, trong đó có cả những phụ nữ vốn phải trở về Australia điều trị sau khi bị lạm dụng tình dục tại hòn đảo xa xôi nhỏ bé này.
Tòa cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng chính sách nhập cư của quốc gia này là quá khắc nghiệt. Phiên tòa được mở ra sau khi một phụ nữ Bangladesh đệ đơn kiện vì những gì cô phải trải qua khi đến xin tị nạn tại Australia, trong đó bao gồm việc bị đưa tới Nauru và bị lạm dụng tình dục tại đây.
Theo chính sách nhập cư của Australia, người tị nạn đến quốc gia này bằng đường thủy sẽ bị từ chối tị nạn hoặc bị đưa ra các trại tị nạn tại đảo Nauru hoặc Papua New Guinea và không được phép định cư tại Australia.
Trong khi các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng chính sách này quá hà khắc, thì Chính phủ Australia lại coi đây là biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn nạn buôn người./.