Ngày 17/7, tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) diễn ra lễ khánh thành và gắn biển công trình nhà ở số 1 cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Công trình là một phần trong dự án xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo và dạy nghề dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Đến dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Công trình có quy mô 2 tầng với tổng giá trị dự toán gần 9,5 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích đất 800m2, diện tích sàn 1.300m2, với 40 phòng, trong đó có 35 phòng để nuôi dưỡng nạn nhân và 6 phòng làm nơi đón tiếp sinh hoạt chung.
Công trình thuộc dự án xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo và dạy nghề dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với tổng mức đầu tư là 351 tỷ đồng, trong đó Trung tâm bảo trợ xã hội là 151 tỷ đồng, trường cao đẳng nghề là 200 tỷ đồng.
Dự án này được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2014-2015) đầu tư xây dựng các công trình cần thiết nhất để đưa Trung tâm bảo trợ xã hội vào hoạt động, gồm đường giao thông, công trình điện nước, nhà nuôi dưỡng nạn nhân, cơ sở xông hơi tẩy độc.
Giai đoạn 2 (2016-2018) xây dựng hoàn thiện các hạng mục còn lại của Trung tâm và toàn bộ các công trình của Trường cao đẳng nghề.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề.
Hàng trăm nghìn người trong tổng số hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam đã chết; nhiều nạn nhân vẫn đang sống đời sống thực vật, cô đơn không nơi nương tựa; đại đa số nạn nhân không có việc làm. Do đó, việc xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân là việc làm cần thiết.
Việc đưa Công trình này vào hoạt động có ý nghĩa xã hội, nhân đạo sâu sắc, là nơi nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con cháu họ, san sẻ gánh nặng với gia đình và giúp nạn nhân có cơ hội vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Công trình còn là mái ấm thân thương, nơi hội tụ những tấm lòng nhân hậu, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
Đồng thời, công trình cũng là nơi gặp gỡ, sẻ chia tình thương đồng loại của bạn bè quốc tế, là minh chứng sống động về chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh cũng bày tỏ công trình đã hoàn thành phần xây dựng, nhưng toàn bộ trang thiết bị cần thiết như giường, ghế, bàn, tủ... đều chưa có.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành để công trình được hoàn tất.
Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh cũng kêu gọi cộng đồng xã hội đồng cảm và chia sẻ gánh nặng, chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam.../.