Mới đây, các nguyên thủ và lãnh đạo của 13 nền kinh tế, gồm Mỹ, Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đã nhất trí khởi động các cuộc thảo luận để thiết lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF).
Đây là một sáng kiến mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Mỹ và các đối tác trong khu vực. Tuy nhiên, khác với các hiệp định thương mại tự do truyền thống, IPEF dường như không chú trọng nhiều vào thuế quan và tiếp cận thị trường. Vì vậy, giới phân tích tỏ ra hoài nghi về sức hấp dẫn của khuôn khổ này.
Định hình khuôn khổ mới
Trong tuyên bố chung công bố tại buổi lễ hôm 23/5, các nguyên thủ và lãnh đạo của 13 nước, chiếm khoảng 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, nhấn mạnh: "Chúng tôi hướng tới cùng nhau tạo dựng môi trường thuận lợi để thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư giữa 13 nền kinh tế và nâng cao các tiêu chuẩn và khả năng tiếp cận các cơ hội cho người lao động, doanh nghiệp và người dân ở các thị trường được gắn kết này."
Tuyên bố chung cũng cho biết các cuộc thảo luận tập thể hướng tới đàm phán trong tương lai sẽ tập trung vào 4 trụ cột là thương mại; các chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; và thuế và chống tham nhũng.
Cụ thể, đối với trụ cột thương mại, các nước sẽ tìm cách xây dựng các cam kết thương mại tiêu chuẩn cao, bao trùm, tự do và công bằng, đồng thời phát triển các cách tiếp cận mới và sáng tạo trong chính sách thương mại và công nghệ giúp thực hiện hàng loạt mục tiêu giúp kích thích hoạt động kinh tế và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, và mang lại lợi ích cho người lao động và người tiêu dùng.
Đối với các chuỗi cung ứng, các đối tác IPEF cam kết cải thiện sự minh bạch, đa dạng, an ninh và bền vững trong các chuỗi cung ứng nhằm giúp tăng khả năng phục hồi và hội nhập của chúng.
Các nước cũng sẽ tìm cách phối hợp các biện pháp ứng phó với khủng hoảng; mở rộng hợp tác để ứng phó tốt hơn và giảm thiểu các tác động của sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo sự tiếp nối của các hoạt động kinh doanh; cải thiện hiệu quả và hỗ trợ hệ thống kho vận (logistics); và đảm bảo sự tiếp cận đối với nguyên vật liệu thô và đã qua chế biến quan trọng, chất bán dẫn, khoáng sản thiết yếu, và công nghệ năng lượng sạch.
Liên quan tới vấn đề năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng, 13 nước dự định sẽ đẩy nhanh việc phát triển và triển khai các công nghệ năng lượng sạch để phi carbon hóa nền kinh tế và nâng cao sức kháng cự trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Về trụ cột thuế và chống tham nhũng, các đối tác IPEF cam kết thúc đẩy cạnh tranh công bằng bằng cách thông qua và thực thi các cơ chế thuế, chống rửa tiền và chống tham nhũng hiệu quả và mạnh mẽ, phù hợp với các nghĩa vụ, tiêu chuẩn và thỏa thuận đa phương hiện có để hạn chế tình trạng trốn thuế và tham nhũng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo tuyên bố chung, các đối tác IPEF "sẽ tiếp tục xác định các lĩnh vực hợp tác bổ sung trên cơ sở tham vấn giữa các đối tác để mở rộng mối quan tâm chung với mục tiêu thúc đẩy kết nối kinh tế và hội nhập khu vực."
Sức hấp dẫn của IPEF nằm ở đâu?
Giới phân tích nhận định IPEF được thiết kế như một công cụ để tăng cường hợp tác giữa Mỹ và các đối tác ở châu Á. Thông qua sáng kiến này, Chính phủ Mỹ muốn khắc phục những thiếu sót về mặt kinh tế và thương mại trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố hồi giữa tháng Hai, đồng thời tăng cường sự hiện diện về kinh tế ở khu vực trong lúc vẫn bảo vệ người dân Mỹ trước những mặt trái của tự do hóa thương mại.
Bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á và là cựu quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, cho rằng IPEF sẽ là "phương tiện cho sự tái can dự của Mỹ về kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Theo bà Cutler, IPEF sẽ "giúp lấp đầy khoảng trống đã được tạo ra khi Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)", tiền thân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện nay.
Một trong những ưu điểm của IPEF là tính mở của khuôn khổ này. Theo hãng tin Kyodo, các đối tác IPEF không nhất thiết phải tham gia tất cả các trụ cột, mà có thể lựa chọn tham gia vào một số trụ cột nhất định của khuôn khổ này. Điều này giúp cho IPEF trở thành một cơ chế hợp tác linh hoạt và mở hơn so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống.
Bên cạnh đó, việc thiết lập IPEF cũng khác với các FTA truyền thống, vốn thường mất nhiều năm đàm phán và yêu cầu các nước tham gia phải phê chuẩn. Bà Cutler cho biết IPEF sẽ là "một cách tiếp cận từng bước."
Ngoài ra, với việc đặt trọng tâm vào vấn đề kinh tế, IPEF không đặt các quốc gia tham gia khuôn khổ này vào tình thế phải "chọn bên" trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang ngày càng khốc liệt.
Tuy nhiên, do IPEF không chú trọng tới vấn đề thuế quan và tiếp cận thị trường như các FTA truyền thống nên một số người hoài nghi về sức hấp dẫn của khuôn khổ này.
Ông Jayant Menon, chuyên gia của Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định: "IPEF đề nghị các thành viên tuân thủ các quy tắc thương mại ràng buộc và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lao động, môi trường và các tiêu chuẩn khác mà không được nhận lại bất cứ điều gì, chẳng hạn như cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Mỹ. Đây sẽ là một bất lợi lớn đối với các nước đang phát triển trong ASEAN."
Trên thực tế, chính quyền của Tổng thống Biden không có ý định xây dựng IPEF theo mô hình FTA truyền thống. Nguyên nhân chủ yếu là do cũng giống như chính quyền trước đó của cựu Tổng thống Donald Trump, chính quyền của ông Biden có quan điểm rằng tự do hóa thương mại không được kiểm soát sẽ gây thiệt hại cho người lao động Mỹ. Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 3/2022, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói rằng các FTA chỉ là công cụ "của thế kỷ XX". Theo bà Tai, các FTA như vậy đã dẫn đến "phản ứng dữ dội" từ người dân Mỹ.
Trước đó, Mỹ từng dẫn dắt tiến trình đàm phán về TPP, nhưng sau đó đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2017 dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Trump. Sau khi lên nắm quyền, mặc dù đã loại bỏ một số loại thuế mà chính quyền của người tiền nhiệm đã áp đặt lên các đồng minh, nhưng chính quyền của Tổng thống Biden vẫn khẳng định rằng Mỹ sẽ không quay lại CPTPP. Thay vào đó, chính quyền của ông Biden áp dụng "chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu", với hy vọng sẽ cho phép các công dân Mỹ bình thường nhận thấy những lợi ích lớn hơn từ hoạt động thương mại và ngoại giao của Mỹ.
Lo ngại của Nhật Bản
Mặc dù ủng hộ IPEF nhưng Nhật Bản vẫn lo ngại khuôn khổ này sẽ làm suy yếu CPTPP - một thỏa thuận thương mại mà Tokyo đã dành nhiều tâm sức để tạo dựng sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Nguyên nhân chủ yếu là do mặc dù có một số điểm khác biệt nhưng cả IPEF và CPTPP đều ủng hộ "quy tắc và tiêu chuẩn cao" trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Bên cạnh đó, có tới 7 trong tổng số 11 thành viên của CPTPP tham gia IPEF.
Vì vậy, song song với việc ủng hộ IPEF, Nhật Bản vẫn không ngừng nuôi hy vọng đưa Mỹ quay lại hiệp định này. Phát biểu trong buổi họp báo tại Trung tâm Báo chí Nước ngoài Nhật Bản (FPCJ) vào tối 20/5, ông Noriyuki Shikata, Thư ký Nội các phụ trách quan hệ công chúng của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, nhấn mạnh quyết định tham gia IPEF sẽ không làm giảm kỳ vọng của Chính phủ Nhật Bản về việc Mỹ quay lại TPP.
Chuyên gia Hiromi Murakami, giảng viên môn khoa học chính trị tại Đại học Temple, nói: "Tokyo đã nỗ lực rất nhiều để đưa TPP trở thành một hiệp định thành công và sau đó đảm nhận vai trò lãnh đạo để CPTPP được vận hành hiệu quả. Tôi nghĩ rằng họ đang tự hỏi về những khác biệt giữa CPTPP và IPEF và cả lý do Mỹ cần đưa ra một kế hoạch mới ngay lúc này... Tôi có thể thấy Mỹ có lý khi muốn có các hiệp định thương mại của riêng mình và muốn Nhật Bản tham gia hiệp định thương mại của họ, nhưng điều này sẽ chỉ làm suy yếu CPTPP và mọi thứ mà Nhật Bản đã làm".
Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng để giải tỏa quan ngại của Nhật Bản và tăng sức hấp dẫn của IPEF, trong các cuộc thảo luận sắp tới, Mỹ cần đưa ra các đề xuất chi tiết để chứng tỏ rằng IPEF sẽ là một giải pháp thay thế và có lợi hơn so với các sáng kiến khác trong khu vực./.