“Buông lơi lịch sử sẽ đem lại hiệu ứng tiêu cực lâu dài cho xã hội”

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc buông lơi vấn đề lịch sử sẽ để lại những hiệu ứng tiêu cực trong xã hội về lâu dài.
“Buông lơi lịch sử sẽ đem lại hiệu ứng tiêu cực lâu dài cho xã hội” ảnh 1Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng hiện nay môn Lịch sử có vị thế riêng trong việc xây dựng con người Việt Nam. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới dự thảo chương trình giáo dục tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, đến bậc trung học phổ thông, bốn môn học bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, ​Công dân với ​Tổ quốc.

Đáng chú ý, môn Công dân với Tổ quốc tích hợp 3 môn gồm: Giáo dục công dân, Giáo dục an ninh quốc phòng và Lịch sử. Và, việc này đã gây ra rất nhiều tranh cãi bởi nhiều ý kiến cho rằng cần duy trì môn Lịch sử là môn học độc lập, bắt buộc ở bậc trung học phổ thông.

Bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Đại biểu Dương Trung Quốc đã chia sẻ với báo giới về vấn đề này.

- Dư luận gần đây rất quan tâm tới dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan tới môn học Lịch sử. Ý kiến của Đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Môn Lịch sử nói riêng và đặc trưng trong giáo dục hiện nay đang đứng trước những nhu cầu cần thay đổi. Nó vừa là tích tụ của quá khứ và đòi hỏi sự phát triển mới khi chúng ta đang hội nhập hết sức mạnh mẽ.

Môn Lịch sử là vấn đề có những bất cập bộc lộ từ lâu. Điều tra xã hội học của một tờ báo đã cảnh báo giới trẻ đang quay lưng với môn Lịch sử; sau đó là câu chuyện học sinh không thích học môn Lịch sử và tình trạng này ngày càng tăng và đã được báo chí phản ánh.

Đứng trước thực trạng này, chúng ta phải xem nguyên nhân vì sao? Có những lý do rất chính đáng rất khách quan như việc lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ. Tôi có nói đùa rằng một xã hội sẵn sàng trả lương cho người có kiến thức lịch sử cao thì chắc chắn sẽ hút học sinh được.

Bởi vậy, chúng ta phải tìm ra những bước đi thích hợp và đầu tiên cần phải xem lại phương pháp dạy và học lịch sử. Thế nhưng, tôi thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo không quan tâm điều này và khi để tình trạng trầm trọng thì họ tìm một lối thoát khác…

Chúng tôi tôn trọng ý tưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng phải hết sức thận trọng. Mà muốn thận trọng thì phải nghiên cứu kỹ, phải tranh thủ ý kiến sự đồng thuận của xã hội.

Vừa qua, trong một hội nghị về vấn đề này, các đại biểu phát biểu một chiều, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo lại trả lời kiểu khác, khẳng định mình đúng. Và khi thiếu sự thiện chí, chúng ta sẽ không tìm được sự đồng thuận, nhất là trên lĩnh vực giáo dục.

Tôi mong muốn dư luận xã hội tiếp tục tìm ra giải pháp tốt nhất, ủng hộ Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Nghị quyết của Trung ương nhưng phải trên cơ sở rất sát thực tế.

Trong quá khứ, có nhiều thất bại của ngành giáo dục chính là bởi vì họ chủ quan, cứ cho rằng đó là lĩnh vực riêng của mình mà quên mất rằng đó là việc không những chỉ tác dộng rất rộng rài trong xã hội hôm nay mà còn cả tương lai…

“Buông lơi lịch sử sẽ đem lại hiệu ứng tiêu cực lâu dài cho xã hội” ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: Vietnam+)

- Quan điểm của Hội Khoa học Lịch sử muốn đây là môn học độc lập, trong khi giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy họ đưa thành môn học bắt buộc và tích hợp thành môn Công dân với Tổ quốc, thưa ông?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Vấn đề môn Công dân với Tổ quốc là cái gì? Bảo gộp ba môn lại với nhau nhưng gộp thế nào thì chưa thấy nói tới.

Trong khi đó quan trọng nhất anh vẫn phải củng cố môn Lịch sử thật tốt. Dù đó có phải là môn thi hay không, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phải hoàn thiện hơn chuyện đó.

Chuyện tích hợp thế nào cũng phải tìm hiểu kỹ. Tôi chưa nói đến vấn đề có thể bỏ được môn học như an ninh quốc phòng đã trở thành luật để đổi sang một tên khác hay nhét vào trong một bộ môn khác được không? Do đó, cần phải đi từng bước thận trọng.

Chúng tôi không vì làm sử mà đề cao quá môn Lịch sử bởi rất nhiều môn học khác cũng quan trọng. Thế nhưng, hiện nay môn Lịch sử có vị thế riêng đối với mục tiêu xây dựng con người Việt Nam.

Các kiến thức khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội cũng rất quan trọng và chúng ta không đặt lên bàn cân cái nào quan trọng hơn. Song, trong bối cảnh hiện nay, sự buông lơi vấn đề lịch sử sẽ để lại những hiệu ứng tiêu cực trong xã hội về lâu dài.

- Như vậy, ông cũng đồng tình với quan điểm Lịch sử là môn học độc lập...?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Trước hết đó là môn học độc lập. Còn tích hợp hay không thì phải có một quá trình mà sự tích hợp ấy đạt hiệu quả mà xã hội công nhận.

- Nếu giả sự một ngày nào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm ra cách tích hợp thỏa đáng…?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Thế thì chúng tôi ủng hộ hoàn toàn. Chúng tôi khuyên Bộ Giáo dục và Đào tạo thận trọng điểm này chính vì mình phải chuẩn bị thật kỹ.

Tôi rất chia sẻ với Bộ Giáo dục và Đào tạo khi hay bị phản ứng. Thế nhưng, Bộ cần giữ được sự bình tĩnh và không thể đơn giản được. Thi cử cũng vậy, đừng biến mọi cái thành thử nghiệm của mình bởi cái đó rất nguy hiểm.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục