Burkina Faso: Tổng thống Compaore tuyên bố không từ chức

Ngày 30/10, Tổng thống Burkina Faso Blaise Compaore tuyên bố không từ chức, đồng thời kêu gọi đàm phán chuyển giao quyền lực.
Binh sỹ Burkina Faso tuần tra trên đường phố thủ đô Ouagadougou sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố ngày 30/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/10, Tổng thống Burkina Faso Blaise Compaore tuyên bố không từ chức, đồng thời kêu gọi đàm phán chuyển giao quyền lực.

Phát biểu trên truyền hình sau khi quân đội giải tán chính phủ và quốc hội đồng thời thành lập cơ quan lâm thời điều hành đất nước, ông Compaore cho biết "sẵn sàng đối thoại về một giai đoạn chuyển tiếp để chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân bầu."

Ông cũng thông báo dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vừa được ban bố vài giờ trước khi quân đội tiếm quyền.

Cùng ngày, lãnh đạo đối lập Benewende Sankara khẳng định việc quân đội tiếm quyền là "đảo chính," nhưng cũng nhấn mạnh rằng việc Tổng thống Compaore ra đi là "không cần tranh cãi."

Theo lãnh đạo đối lập này, Tổng thống Compaore đã nắm quyền ở Burkina Faso 27 năm nay và việc ông phải chuyển giao quyền lực không cần tranh cãi.

Phản ứng trước cuộc chính biến ở Burkina Faso, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại và cử đặc phái viên của mình phụ trách khu vực Tây Phi Mohamed Ibn Chambas tới Burkina Faso nhằm giúp chấm dứt làn sóng bạo lực tại đây.

Dự kiến trong ngày 31/10, ông Chambas sẽ có mặt tại Burkina Faso thực hiện sứ mệnh hòa bình chung với Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).

Trong tuyên bố của mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực, kiềm chế và nối lại đối thoại nhằm giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn đọng.

Cùng ngày, AU cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình hỗn loạn tại Burkina Faso. Chủ tịch AU Nkosazana Dlamini-Zuma kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực vì lợi ích tối cao của đất nước.

Chủ tịch AU cũng đã lập một nhóm cấp cao tham gia Phái đoàn Phối hợp (gồm AU, ECOWAS và LHQ) tới Burkina Faso để tiến hành tham vấn các bên nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho những khó khăn hiện nay.

Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng kêu gọi các bên ở Burkina Faso chấm dứt bạo lực và tiến hành một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Các cuộc biểu tình đã bùng phát tại Burkina Faso từ đầu năm 2014 nhằm phản đối kế hoạch kéo dài nhiệm kỳ thêm 5 năm nữa của Tổng thống Compaore.

Theo hiến pháp hiện hành, Tổng thống chỉ được phép giữ cương vị này tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm, và Tổng thống Compaore sẽ phải kết thúc nhiệm kỳ hai vào năm 2015.

Đến ngày 30/10, chính biến xảy ra sau các cuộc biểu tình rầm rộ trước thời điểm Quốc hội dự định họp để thông qua sửa đổi hiến pháp.

Bạo lực đã làm 30 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Làn sóng biểu tình mạnh mẽ buộc quốc hội thông báo hủy bỏ tiến trình sửa đổi hiến pháp và một sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố.

Tuy nhiên, quân đội tuyên bố tiếm quyền và lập ra một bộ máy lãnh đạo lâm thời dẫn dắt đất nước trong vòng 12 tháng cho đến khi tổ chức được các cuộc bầu cử và thành lập chính phủ mới.

Quân đội Burkina Faso cũng áp đặt lệnh giới nghiêm từ 7 giờ tối hôm trước đến 6 sáng hôm sau.

Bản thân ông Compaore, 63 tuổi, là một cựu sỹ quan quân đội đã tiến hành đảo chính quân sự năm 1987 và lên nắm quyền sau đó. Ông đắc cử tổng thống 4 lần, 2 nhiệm kỳ 7 năm (1991-1998 và 1998-2005), và 2 nhiệm kỳ 5 năm sau khi hiến pháp được sửa đổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục