ByteDance đã nộp đơn xin giấy phép xuất khẩu công nghệ ở Trung Quốc, trong bối cảnh tập đoàn này đang "chạy nước rút" nhằm đạt được thỏa thuận với hai hãng của Mỹ là Oracle Corp và Walmart Inc.
Theo đó, ByteDance có thể "nuôi" hy vọng chấm dứt kế hoạch của giới chức Nhà Trắng áp lệnh cấm đối với ứng dụng TikTok vì lý do an ninh.
Trong một tuyên bố đăng trên nền tảng tin tức trực tuyến Toutiao ngày 24/9, tập đoàn có trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc) này cho biết đã nộp đơn lên Văn phòng Thương mại thành phố Bắc Kinh, nhưng không đề cập đến các cuộc đàm phán đang diễn ra liên quan tới các hoạt động của tập đoàn này tại Mỹ.
Một tháng trước đó, Trung Quốc đã lần đầu tiên sau 12 năm điều chỉnh danh sách các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu - một động thái mà giới chuyên gia cho rằng nhằm can thiệp vào mọi thỏa thuận liên quan TikTok.
ByteDance trước đó cho biết thỏa thuận giữa tập đoàn này với hãng công nghệ Oracle và hãng bán lẻ Walmart sẽ tạo ra một công ty Mỹ độc lập và không liên quan đến bất kỳ hoạt động chuyển giao công nghệ nào, mặc dù Oracle sẽ có thể kiểm tra mã nguồn TikTok tại Mỹ.
[Ông Trump sẽ xóa bỏ thỏa thuận nếu ByteDance duy trì quyền kiểm soát]
Tập đoàn trên cũng cho biết thỏa thuận cần có sự chấp thuận của cả hai chính phủ Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, các công ty liên quan đã đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về các điều khoản trong thỏa thuận mà họ đạt được với Nhà Trắng, gây nghi ngờ về việc liệu thỏa thuận này có được tuân thủ đúng hay không.
Theo ByteDance, tập đoàn này sẽ thành lập một công ty con ở Mỹ có tên là TikTok Global, trong đó ByteDance nắm 80% cổ phần. Tuy nhiên, Oracle và Walmart cho biết phần lớn quyền sở hữu TikTok Global sẽ nằm trong tay người Mỹ, tuân thủ sắc lệnh hành pháp ngày 14/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ByteDance phải từ bỏ quyền sở hữu TikTok trong vòng 90 ngày.
Hai cơ quan truyền thông quốc gia Trung Quốc là China Daily và Global Times cho rằng không có lý do gì để Trung Quốc thông qua thỏa thuận mà Oracle và Walmart đã ký kết với ByteDance, cho rằng đây là hành vi "bắt nạt và tống tiền."
TikTok hiện có khoảng 100 triệu tài khoản người dùng tại Mỹ.
Trong nhiều tháng qua, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gây sức ép buộc ứng dụng này phải cắt đứt quan hệ với công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc./.