"C49 sẽ xem xét khởi tố hình sự vụ tàng trữ hơn 5.000 cá thể rùa biển"

Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), cho biết sẽ xem xét vụ án chuyên săn bắt, chế tác, tiêu thụ rùa biển quý hiếm có quy mô lớn nhất cả nước từ trước đến nay để khởi tố hình sự.
"C49 sẽ xem xét khởi tố hình sự vụ tàng trữ hơn 5.000 cá thể rùa biển" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liên quan đến đường dây buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép hơn 5.000 cá thể rùa biển vừa bị triệt phá tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tối ngày 24/11, trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Trần Trọng Bình, Cục phó Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, cho biết đây là vụ án chuyên săn bắt, chế tác, tiêu thụ rùa biển quý hiếm có quy mô lớn nhất cả nước từ trước đến nay, nên đơn vị đang xem xét để khởi tố hình sự.

- Thưa ông, tại sao những đối tượng buôn bán động vật hoang dã lại có thể lưu giữ được số lượng lớn cá thể rùa để chế tác đồ mỹ nghệ như vậy?

Ông Trần Trọng Bình: Có thể nói rằng, thứ nhất là phương thức cũng như thủ đoạn hoạt động của các đối tượng được che đậy rất tinh vi và xảo quyệt. Ví dụ như địa điểm tập kết, cất giữ, phương tiện đi lại đến cách ngụy trang để tìm cách qua mặt, đối phó với hướng tiếp cận của cơ quan chức năng.

Trong vụ việc này, lực lượng cảnh sát môi trường đã phải bố trí rất kỳ công, đi sâu vào các đường dây tội phạm trong một thời gian dài như các điểm tập kết hàng thu gom, các đối tượng trực tiếp tham gia vào đường dây, để điều tra, bắt giữ khi đã có những bằng chứng không thể chối cãi.

Vấn đề thứ hai chúng ta có thể nhìn nhận là bất cứ ở đâu, khu vực hay địa bàn nào, nếu phong trào chống tội phạm được triển khai sâu rộng thì ở đó phong trào quần chúng được phát động tốt, và hiệu lực quản lý, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương sẽ phát huy tốt. Ngược lại, ở đâu phong trào đấu tranh có phần không làm tốt, thì các đối tượng xấu sẽ lợi dụng và ở đó việc ngăn chặn việc buôn bán trái phép sẽ khó khăn.

- Những đối tượng vi phạm trong vụ việc này sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Trọng Bình: Theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật hình sự, các tội phạm liên quan đến hành vi buôn bán, tàng trữ các loài thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, thì không cần phải có căn cứ về định giá trị, khối lượng hay số lượng cá thể động vật thuộc danh mục.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định quy định về xử phạt hành chính đối với các vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự.

Tuy nhiên, đây là vụ án chúng tôi mới bắt giữ và đang trong quá trình điều tra, nên nếu có đủ căn cứ cấu thành để xem xét khởi tố, thì cơ quan cảnh sát điều tra sẽ khởi tố hình sự, xử lý trước pháp luật. Nếu chưa có đủ căn cứ cụ thể thì sẽ xử lý hành chính. Trong quá trình xem xét thì chúng tôi sẽ thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí và nhân dân.

- Qua vụ việc này, bản thân ông có khuyến nghị gì để có thể “cảnh tỉnh” người dân trong việc đề phòng, cũng như chống lại các hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã, quý, hiếm?

Ông Trần Trọng Bình: Có thể nói là Việt Nam đã tham gia vào các công ước, điều ước quốc tế quy định về bảo tồn và bảo vệ các loài đa dạng sinh học quý hiếm. Trong nhiều năm qua, các cơ quan, chính quyền địa phương cũng đã đưa ra các giải pháp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng để làm tốt các cam kết của mình.

Thế nhưng, trong quá trình tổ chức thực hiện, việc chấp hành thực hiện của một số bộ phận, cá nhân tại nhiều địa phương vẫn còn chưa nghiêm túc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của đất nước.

Các vụ vi phạm trong thời gian qua cũng nói lên một điều “chúng ta cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các bộ ngành trong việc tuyên truyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, để có thể phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần cảnh báo những tổ chức, cá nhân đang có những hành vi vi phạm đến đa dạng sinh học rằng pháp luật Việt Nam và quy định của các điều ước Quốc tế sẽ xem xét xử lý rất nghiêm khắc trừng trị với những vi phạm này./.

Xin cảm ơn ông !

Ngày 19/11, sau khoảng 3 tháng điều tra, theo dõi, lực lượng trinh sát của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa đã bất ngờ tấn công vào “ổ nhóm” buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm (gồm có rùa biển, vích, đồi mồi, ốc tai tượng) tại một cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Qua số lượng thống kê sơ bộ, riêng rùa, víc và đồi mồi, trọng lượng đã lên đến 4.368kg đựng trong 230 bao, với hàng ngàn cá thể. Đối với ốc Tai Tượng có số lượng 70 con, mỗi con có trọng lượng trung bình 50kg. Đây là các loài động vật hoang dã quý, hiếm nằm trong các danh mục quy định và được Nhà nước bảo hộ, bảo vệ rất nghiêm ngặt.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục