Từ chiều 5/9 đến sáng 6/9, hàng nghìn con cá bớp nuôi lồng ở khu vực biển ở cầu Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đột nhiên chết hàng loạt.
Đến thời điểm sáng 6/9, đã có khoảng vài nghìn con cá bớp của hơn chục hộ nuôi cá khu vực này chết, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã, lượng cá chết từ chiều ngày 5 đến sáng 6/9 khoảng từ 4-5 tấn.
Ông Cao Nhanh, người nuôi trên 1.000 con cá bớp bị chết từ trưa ngày 5/9 đến nay cho biết: “Chúng tôi thấy cá quẫy, vẻ rất yếu vào đầu giờ chiều hôm qua. Khi lặn xuống đáy lồng kiểm tra thì thấy cá nằm xếp lớp. Tôi đã gọi người đến bán hết hơn 1.000 con cá bớp nuôi lồng của gia đình.”
Theo nhiều người dân ở khu vực này, ban đầu chỉ một, hai hộ dần dần đến thời điểm hiện nay đã có tới hàng chục hộ nuôi cá bớp bị chết. Có hộ chết chỉ vài con, có hộ cá chết lên tới vài nghìn con.
Trong khi đó, đây là thời điểm cá bớp đang chuẩn bị đến thời điểm thu hoạch với trọng lượng từ 2-4/kg.
Người dân ở khu vực này nghi ngờ cá chết do các nhà máy, xí nghiệp gần đó xả thải trực tiếp ra khu vực nuôi thủy sản của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, người dân thôn Thạch Bi cho biết có thể do quá trình làm mực của một số cơ sở thu mua hải sản đã xả thuốc tẩy, chất độc hại làm cho dòng nước nơi này thiếu oxy khiến cá bớp chết hàng loạt.
Ông Nguyễn Tâm, người dân ở thôn Thạnh Đức 2 cho rằng, trước đây, ở khu vực này hiếm khi xảy ra tình trạng cá chết đột ngột nhưng gần đây việc cá chết rải rác liên tục xảy ra.
Có thể các doanh nghiệp ở khu công nghiệp gần đây đã thải ra rất nhiều chất thải gây ô nhiễm cho khu vực nuôi lồng bè của người dân.
Trước tình trạng cá chết hàng loạt, người dân nơi đây đã vội gọi các tiểu thương tới để bán rẻ, bán tháo.
Hiện tại, cá bớp bán ngay tại cầu cảng có giá từ 20.000-40.000 đồng/kg, giảm từ 5-10 lần so với bình thường.
Ông Nguyễn Tâm, một người nuôi cá bày tỏ, người dân ở đây vẫn ăn cá này bình thường nhưng giờ bà con nóng lòng quá nên phải vớt đi bán để bù đắp vốn.
Trước tình trạng cá bớp chết đồng loạt ở xã Phổ Thạnh, các cơ quan chức năng gồm Công an tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện Đức Phổ và Chi cục nông lâm sản thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã cử các đoàn xuống kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để có câu trả lời thỏa đáng.
Tuy nhiên, việc cá chết đồng loạt và người dân vẫn vô tư bán với mong muốn “gỡ gạc” lại chút vốn rất dễ gây nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là khi chưa có câu trả lời chính thức của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây cá chết./.