Cá mập "nghe lời" con người dưới lòng đại dương

Với một chút mẹo và lòng can đảm, con người có thể giữ một con cá mập san hô Caribe trên tay mình theo chiều thẳng đứng hoặc vuốt mũi của nó.

Cá mập không phải là một sinh vật nổi tiếng nhờ sự thân thiện của nó với con người. Tuy nhiên, các thợ lặn vùng Bahamas đã chứng minh rằng với một chút mẹo và lòng can đảm, họ có thể giữ một con cá mập san hô Caribe trên tay mình theo chiều thẳng đứng và thậm chí vuốt mũi của nó.

Cảnh nhà thám hiểm dưới nước này vuốt ve và ôm giữ con cá mập có chiều dài tới 3 m có tiếng là thường tấn công người đã được ghi lại trong một đoạn video.

Cá mập san hô Caribe là một trong số những kẻ săn mồi lớn nhất ở khu vực san hô, với con mồi chính là các loài cá và thân mềm.

Một trong số các thợ lặn có vẻ như đã "thôi miên" con cá và đưa nó vào trạng thái "giả chết." Đây là một trạng thái tê liệt tự nhiên quan sát được ở các loài động vật, tuy nhiên các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn về lý do chúng làm như vậy.

Các chuyên gia cho rằng riêng đối với cá mập thì trạng thái này có liên hệ với quá trình giao phối, và các loài động vật khác thì sử dụng trạng thái "giả chết" này nhằm đánh lừa kẻ thù và ngụy trang.

Có thể đưa các loài động vật vào trạng thái này mà không gây ảnh hưởng gì cho chúng, ví dụ như chạm vào một số vị trí nhất định trên vỏ của một con tôm hùm.

Cá mập có thể duy trì trạng thái này trong khoảng 15 phút. Một số loài động vật có thể bị "thôi miên" khi bị đặt trong trạng thái thẳng đứng và quay đầu xuống dưới.

Người thợ lặn đã "thôi miên" con cá mập này bằng cách vuốt ve mũi của cá mập, nơi có các thụ thể. Anh đã có thể quay đuôi con cá hướng lên trời trong khi vẫn đặt mũi của nó trong lòng bàn tay mình, nhưng ngay khi vừa thả ra con cá đã thoát khỏi trạng thái "hôn mê" và bơi đi.

 

Những bức ảnh về giây phút kỳ diệu này được nhà nhiếp ảnh Simon Enderby người Anh ghi lại trong một lần các thợ lặn cho cá ăn tại khu vực bờ biển Bahamas. Thợ lặn được trang bị găng tay và bộ đồ bằng kim loại để bảo vệ khỏi những chiếc răng sắc nhọn của cá mập.

Cá mập "nghe lời" con người dưới lòng đại dương ảnh 1

Kỹ thuật thôi miên này thường được sử dụng để gây ấn tượng cho khách du lịch, và được cho là không gây hại gì tới các con cá. Ali Hood, Giám đốc Bảo tồn thuộc tổ chức Shark Trust - một tổ chức bảo vệ các loài cá mập của Anh - cho biết rằng kỹ thuật này được sử dụng nhiều trong việc nghiên cứu cá mập trong tự nhiên, nhằm bảo đảm an toàn cho thợ lặn.

Cô cũng cho rằng mặc dù các chương trình du lịch sinh thái đóng góp rất nhiều cho việc bảo vệ các loài cá cũng như cho nền kinh tế của địa phương, nhưng việc "thôi miên" trở thành một màn "biểu diễn" thường xuyên trong các tour du lịch cần phải được xem xét lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.