Cà Mau: Diêm dân ngậm ngùi giữa mùa muối "mặn" ở Tân Thuận

Giá thấp, thương lái không mua, hầu hết diêm dân Tân Thuận dù muốn hay không cũng phải đưa muối vào kho trữ lại, hy vọng giá sẽ lên vào mùa mưa.
Thu hoạch muối. (Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN)

Trong cái nắng như đổ lửa của những ngày tháng Tư, diêm dân làng muối Tân Thuận, tỉnh Cà Mau vẫn miệt mài “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhằm chắt chiu từng hạt muối, kết tinh của công sức trong 6 tháng trời khó nhọc để rồi ngậm ngùi cất vào kho vì không bán được.

Đắng cay đời muối

Làng muối xã Tân Thuận nằm dọc theo sông Gành Hào, thuộc ấp Lưu Hoa Thanh, huyện Đầm Dơi với khoảng 80 hộ dân canh tác trên diện tích khoảng 180 ha. Tùy theo mùa khô từng năm mà diêm dân bắt đầu vụ muối mới, tuy nhiên, thời điểm bắt đầu vụ thường từ tháng 12 đến cuối tháng 3 âm lịch. Thời điểm này, làng muối đã bước vào chính vụ nhưng đang gặp nhiều khó khăn cả về năng suất lẫn giá thành.

Làng muối được hình thành cách đây 30 năm thì có 20 năm bà Đỗ Thị Trợt gắn với nghề. Cái nghề trong lúc nông nhàn của 6 tháng nắng giờ đã thành cái nghiệp của gia đình dù rằng ngọt ngào thì ít mà đắng cay lại nhiều.

Bà Trợt cho biết trong suốt hơn 20 năm làm nghề, chỉ có một năm duy nhất người dân nơi đây được mùa, trúng giá. Đó là vào năm 2009, khi giá muối lên đến trên 70.000 đồng/giạ.

Sau tiếng thở dài, bà Trợt trải lòng, rời quê hương Bến Tre xuống đây theo nghề muối vì nghèo khó, nhưng từng ấy thời gian gắn bó với nghề, cuộc sống của bà cũng không khá lên là mấy, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Sự khó khăn trong nghề khiến gia đình từng phải bỏ nghề đi lên Thành phố Hồ Chí Minh tìm kế sinh nhai, tuy nhiên không bao lâu lại trở về tiếp tục gắn bó với ruộng muối. Cái nghề tưởng chừng chỉ cần bơm nước biển vào ruộng, chờ nắng làm nước bốc hơi là có thể thu hoạch đem bán lấy tiền lẽ ra rất đơn giản nhưng thực tế lại đòi hỏi không ít mồ hôi, công sức.

Đi trên ruộng muối trắng xóa, cái mùi hầm hập bốc lên phả vào mặt mặn chát, và thử nắm một nắm muối trên tay mới thấy hết được cái nóng, cái bỏng rát mà người làm muối phải chịu.

"Nếu không tính công làm ruộng, đắp bờ, để làm ra được hạt muối thì nước biển cũng phải được bơm sang gần 30 ruộng mới có thể kết tinh. Trong suốt thời gian mùa vụ, mỗi ngày diêm dân chỉ có thể nghỉ ngơi được chừng hơn một tiếng đồng hồ, còn lại phải ở ngoài ruộng. Cái nghề chủ yếu lấy công làm lãi này dù cực khổ là vậy nhưng năm nào được giá mới xem như có dư chút ít. Như năm nay giá thấp, làm để cho có chứ chắc không có lãi, không chỉ giá thấp mà hiện tại muối cũng rất khó bán,” anh Trần Minh Lợi cho biết.

Giá thấp, thương lái không mua, hầu hết diêm dân Tân Thuận dù muốn hay không cũng phải đưa muối vào kho trữ lại, hy vọng giá sẽ lên vào mùa mưa. Đối với hầu hết những diêm dân nơi đây, câu chuyện được mùa mất giá của hạt muối gần như không còn xa lạ nữa. Muối không bán được phải cho vào kho là chuyện năm nào cũng có. Thế nhưng, để canh tác được ruộng muối hơn 1ha, gia đình cần phải thuê trung bình ba nhân công, mỗi tháng chi trả gần chục triệu đồng.

Ông Dương Văn Minh, vốn được mệnh danh là “diêm dân giỏi” ở xứ Lưu Hoa Thanh, ngậm ngùi: “Hơn 30 năm làm muối, chưa bao giờ tôi thấy muối rớt giá thê thảm như năm nay. Giá giảm mạnh nhưng thương lái chẳng mặn mà thu mua, khiến diêm dân càng thêm khốn đốn. Năm nay, tôi và nhiều hộ dân chọn cách trữ muối tại kho với hy vọng giá muối tăng lên."

Với diện tích 2ha, hằng năm ông Minh thu hoạch khoảng 7.000 giạ muối, với giá 30.000-35.000 đồng/giạ; vụ mùa 2014-2015, ông lãi khoảng 170 triệu đồng sau trừ chi phí. Tuy nhiên, vụ muối năm nay, với giá thấp như hiện tại, ông Minh ước tính mức lãi chỉ còn khoảng 50 triệu đồng.

Theo ông Trần Văn Ngộ, Phó Trưởng ấp Lưu Hoa Thanh, so với vụ muối cùng kỳ, giá muối giảm khoảng 50%, hiện chỉ ở mức 600-700 đồng/kg nên đời sống của diêm dân gặp rất nhiều khó khăn. Giá thấp nhưng diêm dân buộc phải bán để trang trải chi phí.

"Dù gặp khó khăn, diêm dân Lưu Hoa Thanh vẫn phải bám nghề, bởi bỏ nghề muối thì không thể làm gì khác trong gần 6 tháng mùa nắng," ông Ngộ nói.

Những diêm dân “cô độc”

Từ nhiều năm nay sản phẩm muối Tân Thuận luôn được đánh giá là có chất lượng cao, thế nhưng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thuận, ông Dương Hết Hồn, các ngành chuyên môn từ trước đến nay mở rất nhiều lớp tập huấn từ nuôi tôm, cua cho đến gà, vịt, trâu, bò... nhưng chưa thấy có một lớp tập huấn nào hướng dẫn diêm dân nâng cao hiệu quả canh tác muối.

(Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Đa phần người dân làng muối chỉ sản xuất theo truyền thống, "cha truyền con nối," kinh nghiệm người trước lưu giữ lại cho thế hệ sau từ thực tế sản xuất. Việc chưa có phương thức sản xuất mới tiến bộ, hiệu quả nên nghề làm muối luôn được xem là nghề có rủi ro cao.

Theo ông Dương Hết Hồn, để nghề muối có thể duy trì và phát triển, diêm dân cần phải được tiếp cận vốn vay để đầu tư vào sản xuất, đồng thời tiếp cận kỹ thuật mới để thay đổi dần cách thức sản xuất truyền thống như hiện nay sang sản xuất muối trải bạt nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chỉ có như vậy, sản phẩm muối Tân Thuận mới tạo được đầu ra ổn định, nghề làm muối truyền thống của vùng quê ven biển này mới có hy vọng hết bấp bênh như hiện nay.

"Hiện nay, điều mong mỏi lớn nhất của bà con chính là các sở, ngành có liên quan cần quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu muối Tân Thuận. Bên cạnh đó, ngành chức năng nên hỗ trợ người dân tìm kiếm các liên kết về đầu ra giúp cho giá cả ổn định”, ông Trương Quốc Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ.

Vào năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ có chuyến khảo sát và hỗ trợ 4 ao chứa nước; các ngành có liên quan cũng có hướng thành lập hợp tác xã muối Tân Thuận. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chỉ nằm trên “sự tính toán” còn thực tế thì vẫn như cách đây 30 năm, diêm dân cô độc trên chính ruộng muối của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục