Cả nước có 3.200 sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể là hợp tác xã

Các sản phẩm OCOP có sự kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc.
Miến dong - sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của Bắc Kạn được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020, các địa phương đánh giá, phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm, vượt 800 sản phẩm so với kế hoạch đề ra.

Hội đồng OCOP cấp quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng xem xét xếp hạng 43 sản phẩm 5 sao.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Việc phát triển các sản phẩm chủ lực cấp địa phương đã thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Các sản phẩm OCOP đã có sự kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc.

[Thành phố Hà Nội có 630 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên]

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã tạo sự hưởng ứng lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các chủ thể sản xuất. Đến hết năm 2020, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án, kế hoạch OCOP cấp tỉnh. Số lượng địa phương tham gia, số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP liên tục tăng.

Một điểm đáng chú ý là với hơn 1.400 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, có đến 38% các chủ thể là hợp tác xã. Như vậy, chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi, cơ hội để nông dân liên kết, xây dựng hợp tác xã để sản xuất ra sản phẩm. Ở đó có sự nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn và định hướng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

"Đây chính là chủ thể mà chúng ta mong muốn phát triển. Chương trình OCOP là sân chơi để các hợp tác xã có điều kiện chuyển mình, phát triển vì đây đều là sản phẩm đặc sản, quy mô nhỏ," ông Nguyễn Minh Tiến cho hay.

Những tỉnh khó khăn lại triển khai chương trình OCOP rất hiệu quả như Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn, Bến Tre… Những vùng khắc nghiệt, sản xuất quy mô nhỏ nhưng tạo ra các sản phẩm thực sự đặc hữu, đặc sắc.

Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn tạo điều kiện để các vùng khó khăn, kể cả các hợp tác xã quy mô nhỏ được cạnh tranh bình đẳng.

Nhiều chuỗi siêu thị như Big C, VinMart… đều mong muốn có một khu riêng dành cho sản phẩm OCOP.

Năm 2021, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm phấn đấu có khoảng 4.000 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP, tăng 800 sản phẩm so với năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục