Công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu năm 2020

Sau một thời gian hoàn thiện hồ sơ, nâng cấp sản phẩm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp đã phân hạng được 2 đợt cho 23 chủ thể có 47 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận chỉ đạo các ngành cần quyết tâm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận chỉ đạo các ngành cần quyết tâm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Chiều 13/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và năm 2021; dự toán ngân sách Nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2021; công bố quyết định sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu năm 2020.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu Đặng Văn Châu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, các chủ thể đánh giá, lựa chọn được 88 sản phẩm có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP.

Sau một thời gian hoàn thiện hồ sơ, nâng cấp sản phẩm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp đã tổ chức đánh giá, phân hạng được 2 đợt cho 23 chủ thể có 47 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên; trong đó đợt 1 có 23 sản phẩm OCOP, với 14 sản phẩm đạt 3 sao và 9 sản phẩm đạt 4 sao; đợt 2 có 24 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.

Công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu năm 2020 ảnh 1Các đại biểu tham quan gian trưng bày các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu năm 2020. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Đến năm 2025, Lai Châu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9-10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trung bình 11,5%/năm.

Về xây dựng nông thôn mới, tỉnh phấn đấu trên 57,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 15 tiêu chí, có thêm 2 huyện Tam Đường, Than Uyên đạt huyện nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 4%/năm; giải quyết việc làm cho 8.500 lao động/năm...

Đến năm 2030 tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.

Để hoàn thành các mục tiêu, tỉnh Lai Châu đã đề ra 3 chương trình, đề án trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030: đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập; đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; đề án phát triển rừng bền vững; đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch...

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư các đưa ra các giải pháp kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội như tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh như nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, vốn nước ngoài; tăng cường quản lý thu, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời; phân tích, đánh giá nguyên nhân tăng, giảm điểm của từng chỉ số thành phần thuộc hệ thống các chỉ số PCI...

Cùng với đó, lãnh đạo huyện Than Uyên đưa ra 8 giải pháp về phát triển kinh tế, thu, chi ngân sách và kế hoạch vốn đầu tư công gồm: phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, lồng ghép các nguồn lực để triển khai hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với du lịch cộng đồng; quản lý chặt chẽ các khoản thu, tập trung khai thác nguồn thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh...

[Lai Châu phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc]

Lãnh đạo huyện Phong Thổ đưa ra 12 giải pháp về thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó, tăng cường tuyên truyền, vận động và giao chỉ tiêu về nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đến tận thôn, bản; vận động nhân dân mở rộng diện tích đất lúa bằng hình thức khai hoang và thâm canh tăng vụ; nhân rộng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm...

Với phương châm “Kỷ cương-trách nhiệm-đoàn kết-sáng tạo-phát triển bền vững,” 5 năm qua, Lai Châu đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 11,5%/năm; GRDP bình quân đầu người 43,7 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015.

Giá trị tổng sản phẩm toàn ngành công nghiệp trong 5 năm ước đạt hơn 18.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 208 triệu USD. Về dịch vụ, du lịch thu hút trên 1,4 triệu lượt người, với doanh thu ước đạt trên 1.930 tỷ đồng. Đến năm 2020, huyện Tân Uyên và 38/94 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh ước có 37.300 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,78%/năm…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương căn cứ mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và năm 2021 của tỉnh để cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình của địa phương, đơn vị; tiếp tục thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

"Bên cạnh đó, các ngành cần triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2021 theo đúng quy định. Mặt khác, tập trung thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào tỉnh, đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trọng điểm; huy động nguồn lực, tập trung phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm hoàn thành dự án Đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai...," Chủ tịch Trần Tiến Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.