Tại họp báo về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý 1 diễn ra ngày 1/4, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cả nước hiện đã có 4,2 triệu ví điện tử có liên kết với tài khoản ngân hàng.
Sẽ chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip
Cũng theo ông Sơn, đến cuối năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) do Ngân hàng Nhà nước vận hành đảm bảo an toàn và thông suốt, xử lý trên 73 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017, với giá trị giao dịch hàng ngày gần 300.000 tỷ đồng.
Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt gần 230,7 triệu giao dịch (tăng 19,02% so với năm 2017) với tổng số tiền giao dịch là 592.000 tỷ đồng. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 255,6 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 16,2 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 33,6% và 19,5% so với cùng kỳ năm 2017); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 185,1 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch gần 1.859,9 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 41,4% và 169,5% so với cùng kỳ năm 2017).
Theo ông Sơn, hiện cả nước có 29 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 26 tổ chức cung ứng dịch vụ. Tính đến 31/12/2018 đã cung ứng 4,24 triệu ví đã được xác thực/gần 9 triệu ví đăng ký (tải áp trên điện thoại di động). Đến nay cả nước có 10.000 đơn vị chấp nhanh thanh toán ví điện tử, trong năm 2018 hệ thống các công ty trung gian xử lý 214 triệu món, tăng 14,66% so với 2017 với giá trị 91.000 tỷ đồng giảm 4,5% so với 2017.
Ông Sơn cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như QR code, Tokenization, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng, triển khai Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam.../.