Theo phóng viên TTXVN tại Paris, báo Le Figaro ngày 11/8 đã đăng tải nghiên cứu của các chuyên gia y tế về dịch bệnh COVID-19 cho biết sau các biến thể đến từ Anh, Brazil hoặc Ấn Độ, các biến thể mới xuất phát từ Colombia và Peru đang được các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ.
Biến thể Colombia, được cho là nguyên nhân gây ra 7 cái chết mới đây trong viện dưỡng lão ở Bỉ, đã được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021.
Với tên khoa học chính thức là B.1.621, mức độ nguy hiểm do biến thể này gây ra chưa nghiêm trọng đến mức được đặt tên bằng chữ cái Hy Lạp, nhưng nó cũng đã có mặt tại 34 quốc gia.
Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa liệt kê biến thể Colombia vào danh sách "cần quan tâm" như biến thể Delta, hoặc "cần theo dõi" như Lambda.
Diễn tiến của biến chủng này, kể từ cuối tháng 5/2021 đến nay vẫn là đối tượng cần "tăng cường giám sát" do chưa đủ dữ liệu để biết mức độ lây nhiễm và nguy hiểm thực sự.
Tuy nhiên, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu đã liệt kê B.1.621 như một biến thể “cần quan tâm,” có nghĩa là các dữ liệu hiện tại tuy ít nhưng cũng cho thấy khả năng lây truyền ở mức độ nghiêm trọng.
Biến chủng này mang một số đột biến, đặc biệt là E484K, N501Y và D614G, có liên quan đến việc giảm khả năng bảo vệ miễn dịch.
[Dịch COVID-19: Mối đe dọa mới từ biến chủng mang tên Lambda]
Liên quan đến 7 cư dân của một Trung tâm dưỡng lão ở Bỉ đã tử vong sau khi bị nhiễm biến thể này, ông Marc Van Ranst, chuyên gia nghiên cứu virus, người đã thực hiện các xét nghiệm, cho biết những người này đều đã 80 hoặc 90 tuổi và tất cả đã được tiêm phòng đầy đủ.
Cho đến nay, các nhà khoa học không chắc liệu dòng B.1.621 này có khả năng lây truyền cao hơn các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 hay không.
Hiện phía Bỉ đang tiến hành các loại xét nghiệm khác để loại trừ các khả năng cư dân của viện dưỡng lão nói trên có thể đã chết do một đột biến khác trong virus hoặc một bệnh hô hấp khác.
Cũng theo chuyên gia Marc Van Ranst, biến thể có xuất xứ từ Colombia hiện chiếm tỷ lệ gần 1% các trường hợp đã được ghi nhận mắc COVID-19 tại Bỉ, ít hơn so với 2% ở Mỹ.
Trong khi đó một báo cáo gần đây của chính phủ Anh, nước này đã ghi nhận được 37 trường hợp nhiễm biến thể Colombia.
Tuy nhiên, theo báo cáo này "có vẻ như khả năng lây truyền của biến thể Colombia không cao" nếu so với tổng số 23.000 trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cả nước tính đến ngày 10/8.
Còn trên toàn thế giới, theo quan sát của cơ quan Gisaid chuyên nghiên cứu sự tiến hóa của các biến thể của virus SARS-CoV-2, biến thể "Colombia" hiện diện ở 34 quốc gia, chủ yếu ở Mỹ và châu Âu.
Khác với biến thể virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Colombia, biến thể Lambda hiện đang là mối lo ngại lớn hơn.
Được phát hiện lần đầu ở Peru vào tháng 12/2020, biến thể này đã hiện diện ở 32 quốc gia trong đó có cả châu Âu và đặc biệt là Vương quốc Anh.
Riêng ở Peru, biến thể này là nguyên nhân gây ra 80% số ca lây nhiễm ở đất nước hiện có 8 triệu người được tiêm chủng, tương đương với 14% dân số.
Trong nghiên cứu được công bố từ Đại học Chile ở Santiago, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng biến thể Lambda, còn được gọi là C.37, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn các biến thể Alpha (Anh) và Gamma (Brazil).
Báo cáo nghiên cứu cho biết các đột biến có trong protein Spike của biến thể Lambda gây ra khả năng lây lan cao hơn và làm cho nó ít bị tổn thương hơn trước các kháng thể do vaccine CoronaVac tạo ra.
Hiện tại chưa có nghiên cứu nào cho thấy biến thể Lambda sẽ kháng cả những loại vaccine khác.
Cuối tháng 6 vùa qua, Cơ quan Y tế Anh đã xếp loại biến thể này vào trong danh mục "cần được nghiên cứu," nhưng chỉ rõ hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy sự biến thể này kháng vaccine hoặc dễ lây lan hơn.
Về phần mình, WHO đã phân loại biến thể Lambda trong số các biến thể “được tiếp tục theo dõi” và mức độ cảnh giác được đặt ở dưới các biến thể “đáng lo ngại” hơn như các biến thể Alpha, Delta, Beta hoặc Gamma./.