Chiều 17/7, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội đã họp khẩn cấp với các ban, ngành, địa phương để bàn các biện pháp ứng phó với cơn bão số 2.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, Hà Nội địa bàn rộng, các huyện ngoại thành có diện tích làm nông nghiệp lớn. Còn vùng trung tâm nội đô mưa lớn thường hay ngập úng, tắc nghẽn giao thông; cây cối đổ gây nguy hiểm về người và tài sản.
Bên cạnh đó hệ thống nhà chung cư cũ kỹ không đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Ông Trần Xuân Việt chỉ đạo, để ứng phó với bão các thành viên Ban chỉ đạo phải thường xuyên ứng trực, có mặt tại các địa bàn đã được phân công để chỉ đạo kịp thời. Cần cử lực lượng theo dõi, canh gác hộ đê, nhất là những nơi xung yếu. Nông dân thực hiện nghiêm tạm thời chưa cấy lúa, chờ khi bão tan mới tiến hành.
Sở Xây dựng khẩn trương cắt tỉa cành cây, khơi thông cống rãnh thoát nước và rà soát mức độ an toàn tại các khu chung cư. Hiện nay, thống kê sơ bộ, Hà Nội có 26 tòa chung cư cũ kỹ xuống cấp nghiêm trọng, 40 chung cư xen lẫn vừa cũ vừa mới. Vì vậy, khi có mưa bão lớn cần chủ động di dời người dân ở những vùng này.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay thành phố đã thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai trên địa bàn năm 2014 với lượng hàng hóa đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho 250.000 dân trong thời gian 7 ngày, ước tổng kinh phí gần 84 tỷ đồng.
Thành phố Hà Nội vừa có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc phòng chống bão. Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội rà soát, có phương án, đảm bảo an toàn về điện, cung cấp đủ nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng khi có mưa, bão.
Cấm các tổ chức, cá nhân bơi thuyền trên các hồ trong thành phố khi có mưa, bão. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an thành phố rà soát, có phương án đảm bảo giao thông tại những điểm thường xuyên xảy ra úng ngập khu vực nội thành.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Cơ quan thường trực của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, chỉ đạo rà soát, kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, sẵn sàng ứng phó khi có mưa, bão xảy ra; tổng hợp diễn biến của mưa bão, báo cáo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, Ủy ban Nhân dân Thành phố theo quy định.
Các sở, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện các phương án phòng chống mưa, bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.
Các cơ quan truyền thông, báo, đài của thành phố tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của cơn bão Rammasun để nhân dân biết và chủ động triển khai phòng tránh.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của Bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố.
Trong một diễn biến khác, ông Phan Văn Ơn, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết đến 14 giờ chiều 17/7, tổng số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển có 1.126 phương tiện với 8.742 lao động.
Riêng tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 4 phương tiện với 58 lao động; trong đó hiện có 2 tàu cá đều ở xã An Hải, huyện Lý Sơn là QNg 96011-TS do ông Nguyễn Tấn Được làm thuyền trưởng có 15 lao động và tàu QNg 96149-TS do Nguyễn Quang Sơn làm thuyền trường có 15 lao động đang trên đường chạy về huyện đảo Lý Sơn; tàu QNg 96399-TS của ông Nguyễn Chín và tàu QNg 96077-TS của ông Nguyễn Đông cùng ở xã An Hải, Lý Sơn đang tránh bão ở đảo Cây dừa quần đảo Hoàng Sa. Còn tại vùng biển các tỉnh phía Bắc hiện có 389 phương tiện với 2.635 lao động.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi xác định tại vùng biển Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc là nơi bị ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 2. Do đó ngoài việc ban hành công điện thông tin diễn biến cơn bão đến các ngành, địa phương liên quan để chủ động phòng tránh, còn yêu cầu các tàu thuyền khẩn trương di chuyển tránh trú bão an toàn.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã và đang chỉ đạo các Đồn Biên phòng thường xuyên thông báo diễn biến bão số 2 và duy trì thông tin liên lạc với các tàu, thuyền trên biển, nhất là tàu thuyền đang trú tránh tại vùng biển Hoàng Sa và tàu thuyền tại vùng biển phía Bắc để chủ động phòng tránh cơn bão số 2, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của ngư dân.
Đến chiều 17/7, tại vùng biển quần đảo Trường Sa có 124 phương tiện với 2.482 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam có 187 phương tiện với 1.168 lao động; vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có 422 phương tiện với 2.399 lao động.
Như tin đã đưa, trong các ngày từ 11-16/7, trên địa bàn Lào Cai có mưa to kéo dài, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Thiệt hại lớn nhất là huyện Bảo Thắng và Bát Xát. Tại xã Xuân Giao huyện Bảo Thắng, mưa lũ đã làm gần 150 ha lúa và hoa màu bị vùi lấp, trong đó 30ha có nguy cơ mất trắng; một số công trình công cộng như thủy lợi, cầu treo, đập tràn bị hư hỏng, lún nứt; 45/45 thôn bị ngập nước và chia cắt về giao thông.
Theo người dân địa phương, trận lũ xảy ra tại hai xã Xuân Giao, Phú Nhuận trong những ngày qua được đánh giá là lớn nhất từ kể từ 2008 đến nay. Trong đó có nhiều hộ mới cấy xong bị mất trắng toàn bộ diện tích do bùn rác và đá vùi lấp.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, mưa lớn trong những ngày qua đã làm thiệt hại lớn đối với hai huyện Bảo Thắng và Bát Xát, trong đó Bảo Thắng có 45 thôn thuộc hai xã Phú Nhuận và Xuân Giao bị thiệt hại nặng nề nhất ảnh hưởng, 145,5/156 ha lúa bị đất, đá vùi lấp, nhiều ao hồ bị vỡ, ước tính mất hàng chục tấn cá các loại, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn cũng bị hư hỏng nặng.
Đất đá vùi lấp, phá hủy hàng trăm mét kênh mương chính dẫn nước vào công trình thủy lợi, đe dọa việc cấp nước cho hơn 200ha lúa trên địa bàn. Tại huyện Bát Xát, lũ đã cuốn trôi 20 chiếc thuyền vận tải ở xã Bản Vược và vùi lấp nhiều diện tích hoa màu, lúa ven sông suối, nhấn chìm 1 chiếc thuyền chở khoảng 30 tấn hàng.
Ngay sau khi lũ rút, từ chiều 16 đến 17/7, chính quyền các cấp thuộc huyện Bảo Thắng được sự hỗ trợ của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu hộ tỉnh Lào Cai đã cử cán bộ đi nắm tình hình và cùng lực lượng tại chỗ khắc phục nhanh những hư hỏng, sơ tán dân về nơi an toàn, thống kê thiệt hại chi tiết để nhằm giúp dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Trước mắt, xã đề nghị cấp trên hỗ trợ sớm nguồn lực khắc phục cầu treo qua suối Nhuần để đảm bảo việc đi lại cho nhân dân. Đồng thời sửa chữa kênh, mương, khôi phục lại sản xuất.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Ban Thường trực Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, hiện ngành đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương khắc phục nhanh hậu quả thiên tai lũ ống lũ quét trong những ngày qua; đồng thời tích cực triển khai lực lượng tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trong những ngày tới, sẵn sàng chủ động ứng phó với cơn bão số 2 có tên quốc tế Rammasun.
Tại Quảng Ninh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh “cấm biển” từ 12 giờ ngày 17/7 để chủ động phòng, tránh những thiệt hại do bão số 2 có thể gây ra.
Theo đó, từ trưa 17/7, tất cả các cảng tàu đã ngừng cấp giấy phép rời cảng cho mọi tàu tham quan Vịnh Hạ Long nói riêng và các tàu vận tải hành khách nói chung.
Trước đó, từ đêm 16/7, tất cả các tàu du lịch đều không được phép "ngủ đêm" trên Vịnh Hạ Long, tránh dông lốc cục bộ xuất hiện trong bão.
Cảng thủy nội địa Quảng Ninh đã kêu gọi 109 chuyến tàu khách đang lưu trú trên Vịnh Hạ Long và hơn 2.000 khách di chuyển vào bờ và đã kêu gọi các tàu còn lại đang tham quan trên Vịnh Hạ Long về bờ trước 15 giờ ngày 17/7.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống bão số 2. Ngay trong ngày 17/7, tỉnh cũng đã cấp cho huyện Vân Đồn 2.000 bao tải dứa và 1.000m2 bạt chắn sóng; huyện Cô Tô 2.000 bao tải dứa, 1.000m2 bạt chắn sóng và 100 rọ thép.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện miền núi, Giám đốc các đơn vị thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc triển khai ngay các biện pháp đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở các khu dân cư, sạt lở đất đá các bãi thải, ngập úng đường lò...; nghiêm cấm người dân ra đánh cá, vớt củi, mót than trên sông, suối khi mưa lũ xảy ra.
Tại Nam Định, ngay trong chiều 17/7, các ngành chức năng và các địa phương, nhất là 3 huyện ven biển của Nam Định đã khẩn trương kêu gọi tàu thuyền và người canh coi đầm nuôi trồng thủy sản ven biển vào nơi tranh trú an toàn; gia cố các điểm đê, kè xung yếu trên tuyến đê biển và đê sông.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, tính đến 17 giờ ngày 17/7 đã có 1.830 tàu cá với 4.024 ngư dân vào nơi trú tránh an toàn; còn 91 tàu với 190 ngư dân đánh bắt trên vùng biển Nam Định chưa vào bờ nhưng số tàu thuyền này vẫn liên lạc được.
Có 21 tàu đã vào nơi trú tránh bão tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cà Mau. Dự kiến trong chiều 18/7, tất cả 881 người trông coi tại các đầm nuôi trồng thủy hải sản ven biển, cửa sông, sẽ được di dời vào nơi an toàn.
Công tác gia cố các điểm đê kè xung yếu đã được tỉnh Nam Định chú trọng thực hiện và đến 17 giờ ngày 17/7, công tác này đã cơ bản được thực hiện xong. Các tuyến đê biển Nghĩa Phúc-Đông Nam Điền và Nam Điền-Nghĩa Hải (huyện Nghĩa Hưng) đã được củng cố. Một số điểm xung yếu trên các tuyến đê sông cũng đã được xử lý khẩn cấp.
Từ 13 giờ ngày 17/7, Nam Định đã thực hiện cấm biển đối với tàu thuyền và đang tích cực bơm tiêu nước đệm phòng ngập úng khi mưa lớn.
Tại Ninh Bình, từ chiều 17/7, tỉnh Ninh Bình đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời thông báo đến 70 tàu với 100 ngư dân đang hoạt động trên biển và trên 2.000 lao động nuôi trồng thủy sản phía bên ngoài đê biển khẩn trương vào bờ, tìm nơi tránh trú bão an toàn. Các bến đò ngang được lệnh tạm dừng hoạt động cho đến khi bão tan.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, địa phương đã kêu gọi 50 tàu và 147 ngư dân vào bờ, đồng thời vận hành 27 máy bơm, mở 63 cống tiêu thoát nước để tiêu kiệt nước đệm bảo vệ diện tích lúa mùa mới cấy.
Lực lượng vũ trang tỉnh tập trung nhân lực giúp dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, canh gác tại những tuyến đê xung yếu trên địa bàn.
Các địa phương tổ chức di dân ở khu vực ngoài đê biển Bình Minh II và sơ tán dân khỏi các vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn xong trước 16 giờ ngày 18/7./.