Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, những ngày qua, các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Nghệ An: “Kích hoạt” phương án phòng, chống bão
Huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) có hơn 20km đường bờ biển, chạy qua 8 xã ven biển, bãi ngang, trong đó có gần 20 làng biển, hơn 550 tàu thuyền, hơn 300 bè, mảng của ngư dân và hàng trăm ha diện tích nuôi thủy sản.
Người dân khu vực ven biển đã gia cố lại hệ thống mái che, bờ ao, hồ, đầm nuôi thủy sản; đắp cao hệ thống bờ bao, đồng thời chuẩn bị máy bơm xả nước, tiêu ứng, thoát ngập cho ao, đầm khi có mưa lớn xảy ra; tạm dừng kinh doanh ở các nhà hàng, quán gió ven biển để di dời đồ đạc, vật dụng đến nơi an toàn; chủ động lai dắt, kéo bè mảng lên khỏi bờ, vào sát chân đê để tránh sóng lớn kết hợp gió mạnh, thủy triều.
Chính quyền các xã ven biển đã “kích hoạt” phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xác định nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của tập thể và người dân trước, trong và sau khi bão đổ bộ là quan trọng, cấp bách.
Xã chỉ đạo các trạm y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dự phòng, phương tiện cấp cứu và tổ chức đội cấp cứu sẵn sàng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong mưa bão và khi có tình huống xảy ra; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp nơi ở để người dân ở các vùng thấp, trũng đến tránh, trú bão khi ngập lụt.
Ngày 4/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện hỏa tốc yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó bão số 3 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất; không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh căn cứ diễn biến và dự báo bão, kịp thời tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành lệnh cấm biển…
Quảng Ninh hoàn thành công tác ứng phó trước ngày 6/9
Tính đến sáng 5/9, tại Quảng Ninh, toàn bộ 398 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, 98 tàu chở khách tuyến đảo, 5.556 tàu cá trên địa bàn tỉnh đã nhận được thông tin bão về bão số 3.
Đối với 257 tàu cá xa bờ, các lực lượng chức năng đã thực hiện liên lạc thông báo về hướng di chuyển của cơn bão và dự kiến đến ngày 6/9 các tàu này sẽ về đến nơi neo đậu.
Ngoài ra, 2.889 cơ sở nuôi cá và nhuyễn thể trên các vùng biển đang được chủ cơ sở gia cố, hoàn thành trước 6/9 và di chuyển người lên bờ an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến bão để ra thông báo cấm biển. Trong sáng 5/9, các hồ, đập sẽ lên phương án xả nước, mực nước sẽ được đưa về mức 80%.
Ngành giao thông vận tải phối hợp với các ngành sẵn sàng nhân lực túc trực ở vị trí giao thông xung yếu. Ngành than chủ động các biện pháp ứng phó với bão. Ngành giáo dục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tùy theo tình hình để đón năm học mới an toàn, hiệu quả.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh có công điện khẩn gửi lãnh đạo địa phương, các sở, ban, ngành khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với bão số với bão theo tinh thần tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người; chịu trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra thiệt hại...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương (đặc biệt là các địa phương ven biển và miền núi) khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm “3 trước (chủ động phòng, chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ)," tổ chức thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động kịp thời, hướng dẫn người dân, các đơn vị ứng phó...
Hà Tĩnh chú trọng bảo vệ an toàn hồ đập
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 và nguy cơ mưa lớn sẽ xảy ra trên diện rộng, Hà Tĩnh đã ban hành công điện yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương có phương án phòng, chống bão số 3, đặc biệt là bảo vệ hồ đập xung yếu khi có mưa, lũ xảy ra.
Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân 13 huyện, thành phố, thị xã theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Đặc biệt, đối với các công trình phòng, chống thiên tai như cảng cá, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển và các hồ đập đang thi công dở dang, công trình hồ đập xuống cấp, chủ đầu tư, chính quyền địa phương cần bố trí người theo dõi chặt chẽ để có phương án ứng phó khi bão kèm mưa lớn gây ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư các công trình đang thi công khẩn trương triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với công trình, người và máy móc, thiết bị khi có bão, mưa lớn.
Hiện nay, ở tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thủy lợi Nam Hà Tĩnh và các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh có nhiều công trình hồ, đập đang được sửa chữa và nhiều hồ đập hư hỏng xuống cấp. Các đơn vị này cần khẩn trương có giải pháp phòng, chống bão, bảo vệ hồ chứa trước mùa mưa, bão.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Tiểu ban An toàn nghề cá, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh và các huyện ven biển như Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến bão; kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các địa phương huy động tổ chức đoàn thể, hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa Hè Thu với phương châm "lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó", kiên quyết không để lúa chín bị ngập khi mưa lũ xảy ra; rà soát số lượng máy gặt đập, có kế hoạch điều phối hợp lý để đảm bảo thu hoạch lúa nhanh nhất./.
Ưu tiên công tác dự báo, cảnh báo kịp thời và chính xác về bão số 3
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết bão số 3 di chuyển nhanh, cường độ cao, nếu không chủ động ứng phó sẽ gây ra thiệt hại lớn; do đó công tác dự báo, cảnh báo bão là rất quan trọng.