Các địa phương Nam Trung Bộ "chạy đua thời gian" ứng phó bão số 12

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, nhiều địa phương tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang tập trung triển khai nhiều biện pháp ứng phó cơn bão này.
Các địa phương Nam Trung Bộ "chạy đua thời gian" ứng phó bão số 12 ảnh 1Tàu cá về trú bão tại cảng Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, nhiều địa phương tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang tập trung triển khai nhiều biện pháp ứng phó cơn bão này.

Khánh Hòa cấm biển từ chiều 2/11

Tỉnh Khánh Hòa đã ban hành lệnh cấm biển từ 18 giờ ngày 2/11. Mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã đạt khoảng 60-80% dung tích. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa, khẩn trương điều tiết xả nước sớm để hạ thấp mực nước trong hồ, đảm bảo an toàn cho công trình và đón đợt lũ mới; tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, không để người ở lại nhà tạm, nhà yếu có thể tốc mái, sập đổ khi bão vào; hướng dẫn nhân dân chằng néo nhà cửa; kiên quyết sơ tán người dân trên các lồng bè, tàu thuyền đang neo đậu. Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cũng đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Đắk Lắk hoãn các cuộc họp không cần thiết

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với mưa lũ, nhất là chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, tránh tư tưởng chủ quan trong lãnh đạo, chỉ huy, điều hành; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ." Tỉnh cũng nhanh chóng rà soát, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn các hồ, đập thủy lợi, thủy điện, công trình xây dựng đang thi công dở dang, phân công người trực 24/24h tại các công trình xung yếu có nguy cơ mất an toàn.

Tỉnh cũng chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các địa phương M’Đắk, Lắk, Krông Bông, Krông Năng, Krông Búk, Ea Kar, có kế hoạch kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.

Bà Rịa-Vũng Tàu kêu gọi tất cả tàu, thuyền vào bờ tránh trú bão

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến đầu giờ chiều 3/11, tất cả các tàu cá của tỉnh và các địa phương khác đang hoạt động trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu đã vào bờ tránh trú bão hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Cụ thể, hơn 4.240 tàu cá của tỉnh và gần 1.340 tàu cá tỉnh khác đã vào neo đậu an toàn tại các bến, sông thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện trên biển còn gần 1.400 tàu cá của Bà Rịa-Vũng Tàu với gần 10.000 ngư dân đang đánh bắt hải sản nhưng đều đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bên cạnh kêu gọi tàu cá vào bờ, thoát khỏi vùng nguy hiểm, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với Ban Quản lý các cảng, chính quyền địa phương tổ chức sắp xếp cho tàu cá của tỉnh và các tỉnh khác vào neo đậu tránh trú bão phù hợp, tránh va đập.

Các địa phương Nam Trung Bộ "chạy đua thời gian" ứng phó bão số 12 ảnh 2

Bình Định cho học sinh nghỉ học từ ngày 4/11

Chiều 3/11, trước cơn bão số 12, theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, còn 22 tàu đang nằm trong vùng nguy hiểm. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tiếp tục liên lạc, gọi các tàu này thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, đến 16 giờ 30 phút, vẫn còn có một số tàu gặp sự cố: Tàu cá BĐ 95956TS, công suất 730CV, có 2 người, thuyền trưởng Đỗ Văn Mốt, trú xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) đang trôi dạt tại vùng biển có tọa độ 13,025 độ vĩ Bắc, 109,042 độ kinh Đông, cách bờ biển Quy Nhơn 40 hải lý về hướng Đông Nam. Tàu BĐ 95956TS bị hết nhiên liệu lúc 12 giờ 35 phút ngày 3/11 khi đang trên đường chạy vào bờ. Hiện Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản Bình Định, UBND huyện Hoài Nhơn, Đài Radio Quy Nhơn đang liên lạc với các tàu trong tổ đội đến hỗ trợ.

Tàu cá BĐ 98079TS công suất 831CV, trên tàu có 13 người, chủ tàu kiêm thuyền trưởng là ông Võ Văn Dũng ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn), bị hỏng máy thả trôi lúc 22 giờ ngày 2/11 ở vùng biển có tọa độ 12,022 độ vĩ Bắc, 109,050 độ kinh Đông, cách bờ biển thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) 37 hải lý về hướng Đông Bắc. Tàu SAR 274 đã tiếp cận và đưa 13 người bị nạn lên tàu lúc 12 giờ 45 phút ngày 3/11.

Chiều 3/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định Đào Đức Tuấn đã ký công văn yêu cầu các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Định cho học sinh nghỉ học từ ngày 4/11 đến khi bão tan. Bên cạnh đó, các trường phải tập trung nhân lực thực hiện các biện pháp cấp thiết để đảm bảo an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy, chủ động ứng phó, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người. Nếu chủ quan, không thực hiện nghiêm túc, dẫn đến thiệt hại về người, tài sản thì thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm.

Phú Yên di dân đến những điểm an toàn

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 12, tỉnh Phú Yên đã chủ động các giải pháp ứng phó theo công điện của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, tất cả tàu thuyền đã được kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn. Tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã lên phương án di dân đến những điểm an toàn khi có sự cố xảy ra.


[Bão số 12 giật cấp 15 cách đất liền khoảng 350km về phía Đông]

Tỉnh Phú Yên là địa phương có nhiều tàu, thuyền đánh bắt xa bờ dài ngày. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh liên lạc của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các phương tiện đã vào nơi tránh trú an toàn trong đất liền như cảng Dân Phước, cảng Tiên Châu, cảng Phú Lạc, cảng Đông Tác. Những phương tiện còn hoạt động xa đất liền đều được hướng dẫn vào các đảo.

Đại tá Nguyễn Văn Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết theo thống kê đã có hơn 6.000 chiếc tàu, thuyền của ngư dân vào đất liền an toàn; còn lại 41 phương tiện của ngư dân các địa phương huyện Tuy An, huyện Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa đã được hướng dẫn vào các khu neo đậu, tránh trú thuộc quần đảo Trường Sa.

Bình Thuận lên phương án di dời dân

Để đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của bão số 12, chiều 3/11, Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc gửi: Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông công lập và dân lập, trưởng phòng giáo dục đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng trường đại học và cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các cơ sở giáo dục và trung tâm bồi dưỡng văn hóa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, học sinh và các hoạt động giáo dục trong, ngoài nhà trường (bao gồm các lớp Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, thi nâng bậc chuẩn Ngoại ngữ…) được nghỉ trong 2 ngày 4-5/11 để tránh bão.

Cũng trong chiều 3/11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận có công văn về phương án di dời du khách phòng tránh bão số 12 ở các khu du lịch ven biển trên địa bàn. Cụ thể đối với các cơ sở kiên cố có thể chịu được bão cấp 11-12 phải đưa du khách từ nơi không an toàn đến nơi an toàn trong cơ sở. Nếu lượng du khách lớn thì phải thực hiện di tản du khách theo chỉ đạo của tỉnh. Đối với các cơ sở bán kiên cố ở khu vực huyện Tuy Phong, phải di tản du khách đến Trường Tiểu học Bình Thạnh.

Tại Mũi Né (thành phố Phan Thiết), sơ tán du khách đến Trường Tiểu học Mũi Né 4, trụ sở khu phố Long Sơn, Doanh trại quân đội C19, Nhà nghỉ Bộ Công an, trụ sở Công an phường Mũi Né. Tại Hàm Tiến di tản du khách đến khu biệt thự Sealink City, khu biệt thự Minh Thành, Trung tâm bùn khoáng Sao Mai, trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Hàm Tiến và Trường Hồ Quang Cảnh. Tại Tiến Thành, di tản du khách đến Trường Quân sự tỉnh và các khách sạn tại thành phố Phan Thiết.

Các địa phương Nam Trung Bộ "chạy đua thời gian" ứng phó bão số 12 ảnh 3Ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp khẩn trương kéo thúng, thuyền nhỏ lên bờ. (Ảnh: Công Thử /TTXVN)

Ninh Thuận kiên quyết không để người dân ở lại trên biển

Chiều 3/11, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, hiện toàn tỉnh có 2.650 tàu cá với 16.474 lao động đã neo đậu an toàn, trong đó có 347 chiếc tàu, thuyền đang neo đậu tại bến cảng của các tỉnh khác. Hiện chỉ còn 1 tàu cá (số hiệu NT - 91269) trên tàu có 7 lao động do ông Tô Minh Thanh (sinh năm 1973) làm thuyền trưởng hoạt động tại khu vực DK1 tạm thời bị mất liên lạc. Tỉnh Ninh Thuận đã liên lạc với các đơn vị của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang để hỗ trợ liên hệ tàu cá về nơi tránh trú an toàn.

Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang bắt đầu có mưa to, 21 hồ chứa nước đã đạt gần 78% dung tích, 5 hồ đang tiến hành xả lũ với lưu lượng nhỏ. Các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng phó với bão, lũ. Tại các khu vực dân cư ven biển các huyện Thuận Nam, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Hải, chính quyền địa phương cùng lực lượng bộ đội biên phòng, dân quân đang khẩn trương hỗ trợ người dân chằng chéo nhà cửa, đưa ngư lưới cụ vào nơi an toàn. Các địa phương lên phương án sẵn sàng di dời các hộ dân tại các vị trí xung yếu, vùng trũng thấp, trước mắt tổ chức di dời tới nhà người thân ở tạm hoặc tới địa điểm tránh bão, lũ đã bố trí sẵn.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trước cơn bão số 12, các địa phương khẩn trương di chuyển và đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, lồng bè nuôi thủy, hải sản. Tỉnh cũng ra công văn hỏa tốc yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 ngày 4/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục