Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 6/8, bão số 3 và mưa lũ đã làm 10 người chết (Thanh Hóa 5, Bắc Cạn 1, Điện Biên 1, Lào Cai 1, Sơn La 1, Phú Thọ 1); 11 người mất tích; 91 nhà bị thiệt hại hoàn toàn cùng nhiều thiệt hại nghiêm trọng khác.
Hiện các địa phương chịu thiệt hại do bão số 3 gây ra (từ ngày 31/7-5/8) đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng, các tổ chức đoàn thể giúp đỡ hỗ trợ người dân vùng lũ; thăm hỏi, động viên những gia đình có người bị chết, mất tích và bị thương; nhất là tìm kiếm người mất tích và cung cấp, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho nhân dân các tỉnh bị thiệt hại nặng.
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai và ứng phó với mưa lũ có thể tiếp tục xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 937/CĐ-TTg ngày 3/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3.
Khẩn trương tìm kiếm người mất tích
Tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vẫn còn 10 người mất tích đang được các lực lượng khẩn trường tổ chức tìm kiếm.
Riêng bản Sa Ná có 21 hộ nhà cửa bị cuốn trôi hoàn toàn, 10 hộ thiệt hại 50% tài sản trở lên.
Hiện có hơn 200 cán bộ chiến sỹ, y tế và các đơn vị khác tiếp cận được bản Sa Ná giúp đỡ dân bản khắc phục hậu quả thiên tai.
Sáng 5/8, huyện đã vận chuyển được 200 thùng mỳ tôm, 5 tấn gạo cứu trợ người dân; tập trung lực lượng hỗ trợ dựng lại nhà cho các hộ có nhà bị nước cuốn trôi; có 4 bác sỹ luôn túc trực trong bản khám chữa bệnh cho người dân...
[Thanh Hóa: Nỗi đau của người dân bản Sa Ná sau cơn lũ dữ]
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quan Sơn thường trực tại các địa bàn xã, khu vực xung yếu để chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra do lũ ống, lũ quét có thể xảy ra.
Lực lượng chức năng huy động phương tiện, thiết bị bố trí cắm tại các bản, trực chỉ huy, trực gác và xử lý sự cố, đồng thời cảnh báo, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống cấp bách.
Công an huyện Quan Sơn đã tăng cường 100 chiến sỹ xuống cơ sở để giúp nhân dân, tổ chức 16 tổ công tác vào 16 thôn, bản bị chia cắt cùng người dân khắc phục mưa lũ; phối hợp với các đơn vị khác cứu được 2 trường hợp mắc kẹt giữa dòng.
Công tác cứu hộ tại bản Sa Ná đang rất khó khăn do nước sông Luồng chảy xiết. Nếu muốn qua sông, lực lượng cứu hộ phải dùng phương tiện đặc chủng của Đội tìm kiếm cứu nạn Công an tỉnh Thanh Hóa, còn đi đường rừng phải mất 3-4 giờ mới tiếp cận được địa bàn.
Trong khi đó điện đã mất 3-4 ngày, thông tin liên lạc bị chia cắt hoàn toàn.
Tính đến 19 giờ ngày 4/8, thiệt hại do bão và mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước tính khoảng 136 tỷ đồng.
Lực lượng vũ trang đã huy động 1.498 chiến sỹ cùng phương tiện như ô tô, xe máy, xuồng máy, mô tô nước phối hợp với huyện tìm kiếm, cứu người bị nạn và viện trợ thức ăn, nước uống cho nhân dân các bản bị chia cắt, cô lập.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đến ngày 5/8, cơ bản các thiệt hại do hoàn lưu của bão số 3 gây ra trên địa bàn đã được khắc phục.
Các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn để ổn định cuộc sống.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 từ ngày 2-5/8, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng gây ra các hiện tượng lũ quét cục bộ và sạt lở đất.
Đặc biệt, tại huyện vùng cao Đà Bắc, nhiều điểm bị cô lập cục bộ, nhất là ở những nơi có nhiều con suối cắt ngang đường giao thông huyết mạch, làm sạt lở đất vào nhà 24 gia đình.
Cơ quan chức năng đã kịp thời sơ tán khẩn cấp người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Trên tuyến tỉnh lộ 433 từ thành phố Hòa Bình đi các xã Mường Chiềng, Đồng Nghê, các ngầm giao thông nước lũ tràn qua đường gây tắc đường hoàn toàn, đặc biệt là ngầm xóm Trầm, xã Tân Minh nước ngập khoảng gần 2m.
Nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã cũng bị tắc hoàn toàn, do sạt lở, sập cầu, cống như tuyến đi các xã Hiền Lương, Vầy Nưa, Tân Pheo, Mường Chiềng...
Ngoài ra, mưa lớn đã làm khoảng gần 10ha lúa tại các xã bị lũ cuốn trôi, đất đá vùi lấp bị thiệt hại hoàn toàn. Nhiều diện tích lúa của các xã hiện đang bị ngập trong nước.
Lũ cuốn trôi nhiều đồ đạc và gia súc, gia cầm của nhân dân. Ước tính thiệt hại khoảng gần 10 tỷ đồng.
Ủy ban Nhân dân huyện Đà Bắc đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; cắt cử lực lượng trực tại các ngầm, hồ khi nước dâng cao, cắm biển cảnh báo các điểm sạt lở, tổ chức lực lượng ứng trực và cấm các phương tiện giao thông đi qua khu vực ngầm ngập nước.
Các xã chủ động các phương án sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân khi tình huống cấp bách xảy ra.
Thực hiện các biện pháp khẩn cấp bảo vệ đê biển
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, từ ngày 2-4/8, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh đã làm một người chết, một người bị thương.
Cùng với đó, mưa to kèm theo lốc xoáy làm sập và tốc mái gần 600 căn nhà; thủy triều dâng cao làm ngập hơn 1.840 căn nhà, một trường học, 2.540m đường giao thông; sạt lở đất ven sông với chiều dài 62m đã khiến nhiều căn nhà ven sông bị thiệt hại.
Tổng thiệt hại do thiên tai ở Cà Mau ước tính trên 22 tỷ đồng.
Đối với vấn để sạt lở đê biển, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã trực tiếp chỉ đạo các lượng khẩn trương thực hiện các biện pháp hộ đê khẩn cấp nhằm bảo vệ đê biển trước nguy cơ bị vỡ.
Cơ quan chức năng cũng bố trí các lực lượng túc trực 24/24 giờ tại hiện trường để theo dõi và kịp thời xử lý khi có xảy ra tình huống xấu; tiến hành rà soát lại các điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên toàn tuyến bờ biển Tây để có biện pháp xử lý hoặc đề xuất hỗ trợ xử lý kịp thời.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho tỉnh triển khai thực hiện các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân; có cơ chế phù hợp để giúp địa phương chủ động xử lý khẩn cấp đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, đê biển.
Bên cạnh đó, Trung ương xem xét cho phép địa phương được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA (không áp dụng cơ chế vay lại vốn ODA) đối với các Dự án đầu tư xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu vì đây là các dự án không sinh lợi nên không có khả năng thu hồi vốn.
Hiện đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau và Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam đi kiểm tra xử lý, hộ đê biển Tây đang bị sạt lở do triều cường, sóng lớn.
Từ 1-5/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xảy ra mưa giông, gió giật mạnh cộng với đỉnh triều cường, gây thiệt hại tại nhiều địa phương.
Tại huyện An Minh, mưa to cộng với đỉnh triều cường làm nước biển dâng cao nhanh bất thường, tràn qua tuyến đê biển gây ngập sâu từ 0,7-1m. Nước biển sau đó rút nhanh đã cuốn trôi nhà cửa, hầu hết tài sản, đồ dùng trong nhà của các hộ dân sống ven đê thuộc hai xã Vân Khánh Tây và Vân Khánh.
Thiệt hại đáng kể nhất là khu vực đoạn đê dài khoảng 4,5km từ Tiểu Dừa đến Kim Quy - nơi Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp trước đó.
Do ảnh hưởng của mưa lốc xoáy, toàn tỉnh Kiên Giang có gần 200 căn nhà bị thiệt hại, trong đó có 6 căn bị cuốn trôi ra biển, 49 căn bị sập hoàn toàn, 76 căn tốc mái, 63 căn nhà bị ngập nước.
Riêng huyện An Minh có 105 căn. Trạm Kiểm soát Biên phòng Kim Quy thuộc Đồn Biên phòng Xẻo Nhàu-Bộ đội Biên phòng Kiên Giang do nằm phía sát ngoài bờ biển nên bị nước cuốn đi nhiều tài sản.
Sóng lớn còn làm vỡ hoàn toàn cửa các phòng làm việc và nhà ở cán bộ, chiến sỹ.
Ngày 5/8, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn huyện An Minh cử 188 lượt cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng, quân dân tự vệ xuống hiện trường giúp dân di dời, thu gom tài sản, giữ gìn an ninh trật tự.
Hiện các lực lượng này vẫn tiếp tục giúp các hộ dân bị thiệt hại, khắc phục hậu quả, thu gom tài sản, dựng lại nhà cửa để tạm ổn định cuộc sống; tiếp tục thống kê thiệt hại nhằm sớm hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại từ Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh Kiên Giang...
Còn tại Sóc Trăng, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức thống kê thiệt hại, huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ cùng với lực lượng xung kích, người dân địa phương tổ chức khắc phục tạm thời thiệt hại về nhà cửa, cây đổ, sạt lở do mưa dông, lốc xoáy gây ra.
Trước đó, liên tục trong 4 ngày (từ 2-5/8), mưa, dông, lốc xoáy kèm đợt triều cường lớn đã làm cho nhiều nhà dân bị sập, tốc mái, sạt lở đê bao và hàng ngàn ha lúa, cây trái bị ảnh hưởng.
Các huyện Thạnh Trị, Kế Sách, Mỹ Xuyên, thị xã Ngã Năm, huyện Châu Thành và thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nhiều nhất. Trong đó Xuân Hòa, huyện Kế Sách, cuối tháng 7/2018, có một căn nhà và hơn 20 mét đê bao bị sạt lở xuống sông.
Trong 4 ngày đầu tháng 8/2019, địa bàn xã này lại có thêm 23 căn nhà, 5 lò than bị ảnh hưởng do lốc xoáy; đoạn đê bao trên kênh gần Ủy ban Nhân dân xã tiếp tục bị đe dọa nguy cơ sạt lở cao.
Triều cường đã làm sụp lún tại bờ sông Mỹ Thanh, khu vực bến đò ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên); một số trụ bơm xăng ven sông ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu bị sụp xuống sông, nhiều điểm bờ sông bị xói lở với tổng diện tích hơn 60m2./.