Các địa phương ứng phó với thời tiết nguy hiểm, rét đậm, rét hại

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh rét hại, băng giá, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá.
Các địa phương ứng phó với thời tiết nguy hiểm, rét đậm, rét hại ảnh 1Băng giá xuất hiện tại Khu du lịch Mẫu Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN phát)

Ngày 20/2, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại theo chỉ đạo tại công văn số 90/VPTT ngày 16/2/2022 và chủ động ứng phó với mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động các biện pháp ứng phó với gió mạnh trên biển theo chỉ đạo tại công văn số 92/VPTT ngày 17/2.

Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố trên thực hiện việc chủ động thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh rét hại, băng giá, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra.

Các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp an toàn cho người, cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là đối với vùng núi cao có khả năng nhiệt độ xuống thấp; thông báo, hướng dẫn cho khách du lịch ở khu vực vùng núi để đảm bảo an toàn.

Các địa phương nêu trên thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Để ứng phó với rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người dân cần biết cách giữ ấm và phòng, chống rét cho bản thân và gia đình.

Khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, người già và trẻ em có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xương khớp... Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.

Để phòng ngừa mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, người dân nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa... Người cao tuổi tránh từ trong nhà ấm ra ngoài lạnh đột ngột, vì sẽ gây thay đổi về huyết áp, dẫn đến nguy cơ bị tai biến mạch máu não.

[Hình ảnh băng giá xuất hiện tại Mẫu Sơn và cao nguyên Đồng Văn]

Trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên các vùng biển phía Nam, các cơ quan chức năng cần thông báo cho phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...

Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí, cường độ, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, ngư dân kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục