Các doanh nghiệp tại Bình Dương nhanh chóng nối lại sản xuất

Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết sau khi trở lại "bình thường mới" khoảng 85% doanh nghiệp chuẩn bị tái khởi động sản xuất nhưng sẽ rút kinh nghiệm kiểm soát đầu vào an toàn.
Công nhân làm việc trong doanh nghiệp "3 tại chỗ." (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Ngay khi dịch bệnh bước đầu được khống chế tại Bình Dương, các doanh nghiệp đã mở lại hoạt động, tuyển dụng lao động, triển khai các kế hoạch giữ vững chuỗi cung ứng, nối lại sản xuất, quyết liệt đặt ra các mục tiêu tăng trưởng trước những khó khăn và thách thức vừa trải qua trong thời kỳ dịch COVID-19.

Nhanh chóng nối lại sản xuất

Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, chuyên về sản xuất các thiết bị về điện nằm trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, thị xã Bến Cát chia sẻ, trước đây khó khăn nhất là do các địa phương đóng cửa, chậm chạp trong việc lưu thông hàng hóa. Dù vậy, công ty vẫn cố gắng duy trì việc giữ chân lao động, công nhân không hoạt động sản xuất 3 tại chỗ tại công ty nhưng vẫn được trả lương cơ bản khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Ngay sau khi Bình Dương trở lại bình thường mới, hoạt động mở cửa trở lại, công ty của ông đã kêu gọi các nhân viên quay trở lại làm việc. Dây chuyền sản xuất hiện tại của công ty đang tái khởi động lại và hoạt động hết công suất xử lý khoảng 50% đơn hàng đang tồn đọng lại để kịp giao cho các đối tác. Công ty cũng đang ráo riết tuyển dụng thêm khoảng 30% người lao động để tăng gia sản xuất.

Tình hình dịch kéo dài từ năm 2020 đến nay nên công ty xác định "sống chung với lũ" và luôn cảnh giác cao độ với dịch bệnh, việc mỗi doanh nghiệp tự ý thức và áp dụng các biện pháp cụ thể là vấn đề thiết thực hơn. Hiện, công ty kiểm soát chặt vấn đề ra vào của công nhân lao động, khai báo y tế, có máy đo thân nhiệt.

[Bình Dương cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm cho người lao động]

Cùng với đó, ông Trần Thành Trọng cũng khuyến cáo người lao động hạn chế di chuyển, đi xa và xin nghỉ phép về phải có khai báo y tế đầy đủ. Khi ăn trưa, công ty cũng phân ca và tách riêng từng nhóm ăn trưa, mỗi chỗ ăn trưa đều có vách ngăn và giữ khoảng cách đúng quy chuẩn.

Ông Trọng cho biết doanh nghiệp sẽ tự mua test kháng nguyên, giảm một phần chi phí cho hoạt động tự chủ động xét nghiệm cho công nhân, người lao động; qua đó giúp đơn vị chủ động nối lại kế hoạch khôi phục lại sản xuất.

Còn ông Lee Jaehong, Giám đốc điều hành Công ty Pungkook Sai Gon 3, phường An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương, hiện nay công ty đã xây dựng các phương án để trình các ngành một cách cụ thể nhất để đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất.

Theo đó, công ty sẽ từng bước phục hồi sản xuất trên cơ sở đánh giá sức khỏe của người lao động, phân luồng lao động tại các vùng xanh. Trước tiên kiểm tra sức khỏe cho gần 300 lao động đang làm việc 3 tại chỗ "tại công ty" để duy trì ổn định số lao động này trên cơ sở tổ chức đón công nhân từ các điểm xanh tại địa phương.

Công ty sẽ bố trí sản xuất giãn cách, đảm bảo quy trình xét nghiệm và xây dựng phương án cách ly tại công ty trong trường hợp xuất hiện F0. Phía công ty cũng đang được sự hướng dẫn kịp thời của các ngành về các phương án sản xuất để sớm mở cửa trở lại từ 50-70%.

Đưa ra các phương án cụ thể

Đợt dịch thứ 4 ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt nhưng kinh tế Bình Dương vẫn trên đà tăng trưởng. Cụ thể, 9 tháng năm nay, vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp đạt 1,76 tỷ USD, tăng 1,98% so với cùng kỳ và đạt 126,24% kế hoạch năm; trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 1,57 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 82%, tăng 2,15% so với cùng kỳ; khu vực trong nước đạt 193 triệu USD, chiếm tỷ lệ 18%, tăng 1,88% so với cùng kỳ.

Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh 9 tháng của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Các doanh nghiệp tại Bình Dương sẽ chủ động xét nghiệm COVID-19 cho người lao động. (Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết sau khi trở lại "bình thường mới" khoảng 85% doanh nghiệp chuẩn bị tái khởi động sản xuất. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm đợt đầu tiên hoạt động "3 tại chỗ" còn thiếu kiểm soát đầu vào an toàn nên nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất do phát sinh ca bệnh F0, doanh nghiệp muốn nối lại sản xuất cần nâng cao biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo nhà máy "3 xanh."

Các doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân người lao động và tiêm vaccine đầy đủ để không để đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng. Hiện Ban Quản lý Khu công nghiệp đang ưu tiên phối hợp với các địa phương để đón chuyên gia, người lao động quay lại làm việc; tiếp tục phối hợp để tổ chức tiêm vaccine mũi 2 cho tất cả người lao động; phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, hướng tới sống chung với dịch bệnh, ổn định sản xuất lâu dài.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân tỉnh, cho biết tỉnh cũng sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, bao gồm hỗ trợ tín dụng, thực hiện các chính sách thuế-bảo hiểm xã hội, các chính sách về lao động, tiếp cận thị trường, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình cụ thể.

Các sở, ngành sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất trong năm 2021.

Đồng thời, các sở, ngành tiếp tục thống kê tình hình lao động, xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động trong các doanh nghiệp và có giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau giãn cách, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục