Thảm kịch đối với chiếc máy bay Airbus A321 của Hãng hàng không giá rẻ Nga Kogalymavia (tên thương mại Metrojet) xảy ra sáng sớm 31/10 (theo giờ Nga) đang trở nên phức tạp hơn trong việc xác định đâu là nguyên nhân.
Ngay sau khi bị rơi ở bán đảo Sinai (Ai Cập), chính quyền sở tại và nhà chức trách Nga bước đầu công bố nguyên nhân vụ tai nạn có thể là do trục trặc kỹ thuật.
Mọi việc trở nên rắc rối hơn khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Ai Cập đứng ra nhận trách nhiệm đã bắn rơi chiếc máy bay này với tuyên bố: "Thay mặt đấng tối cao tiêu diệt "những kẻ thập tự chinh" Nga, để trả thù nước này đã mở chiến dịch không kích IS ở Syria."
Tờ Kommersant (Nga) dẫn ý kiến của Giám đốc điều hành Ủy ban hàng không quốc tế Nga Victor Sorochenko cho rằng rất có thể chiếc Airbus A321 đã bị nổ tung trên không trung bởi một quả bom nhỏ giấu trong lớp lót của một chiếc vali hành lý. Điều này được minh chứng bởi những mảnh vỡ máy bay nằm rải rác trên một vùng rộng lớn hình elip dài khoảng 8km và rộng khoảng 4km.
Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân chính xác, ngoại trừ việc phân tích hộp đen của máy bay còn cần thu thập tất cả các mảnh vỡ và tái tạo lại máy bay.
Ông Sorochenko cũng dẫn chứng việc những hình ảnh chụp phần đuôi máy bay cho thấy một vết đứt gãy rõ ràng nằm gần vị trí vách ngăn áp suất sau, một phần vỏ máy bay ở phía đuôi bị lột ra và uốn cong ra ngoài, chứng tỏ bộ phận này đã chịu một luồng không khí phụt ra với áp suất cực lớn, cho thấy máy bay đã bị nổ tung do bị giảm áp cực mạnh ngay trên không trung và rơi xuống theo phương thẳng đứng với tốc độ tới 1.500 m/phút.
Tuy nhiên, tờ Kommersant nhấn mạnh thêm rằng "chỉ có một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các yếu tố trong việc tính toán và kiểm tra xem có dấu vết của chất nổ hay không, từ đó mới có cơ sở để khẳng định máy bay bị đánh bom."
Báo mạng RBK của Nga đặt câu hỏi phải chăng lỗi kỹ thuật là nguyên nhân vụ tai nạn? Và chính báo này khẳng định đến thời điểm hiện nay, nhiều giả thuyết cho thấy nguyên nhân nghiêng về một vụ cháy nổ trên máy bay hơn là sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, báo mạng RBK cũng ghi nhận rằng giới chức Nga và Ai Cập đến nay vẫn bác bỏ khả năng máy bay Airbus A321 bị khủng bố.
Các chuyên gia tin rằng sự cố xảy ra đối với động cơ máy bay, tuy nghiêm trọng song không thể khiến máy bay bị mất độ cao đột ngột như vậy, và những tình huống trục trặc đối với động cơ vẫn thường xảy ra trong ngành hàng không dân dụng.
Ông Alexander Friedland - Giám đốc Trung tâm Khoa học chuyên Giám sát, Phân tích và Dự báo Kinh tế quốc gia, thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Nhà nước Ngành hàng không dân dụng Nga - cho rằng xác suất xảy ra tai nạn máy bay vì lý do trục trặc kỹ thuật khi máy bay đã đạt tới độ cao ổn định trong suốt hành trình bay là rất hiếm. Nguyên nhân phổ biến nhất của tai nạn máy bay luôn là yếu tố con người, và trên thực tế nó thường xảy ra trong thời điểm cất và hạ cánh.
Các vấn đề kỹ thuật cũng có thể xảy ra đối với hệ thống điện, gây cháy, và ông Friedland cũng không loại trừ khả năng một vụ nổ xảy ra trong khoang hành lý.
Báo mạng RBK đồng thời cũng thanh minh cho những nghi vấn về "tuổi thọ" quá cao của máy bay: 18 năm. Theo báo này, thời gian khai thác bay trung bình của các hãng hàng không Nga là 21 năm và khi so sánh về số năm khai thác bay trung bình của 20 hãng hàng không Nga, chiếc Airbus A321 bị nạn của Kogalymavia chưa phải đã "quá già" so với máy bay của nhiều hãng khác.
Tờ Vedomosti (Nga) cũng có bài viết đề cập về công tác quản lý các hành trình bay, chuẩn bị cho chuyến bay, máy bay cũng như phi hành đoàn. Vụ tai nạn xảy ra đối với chuyến bay mang số hiệu KGL-9268 chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đối với xu hướng đi du lịch nước ngoài tại Nga, mặc dù trong một cuộc phỏng vấn với tờ Vedomosti, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Nga Dmitry Gorin khẳng định sẽ không có điều gì xảy ra nếu Kogalymavia tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn bay. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận rằng mọi sự sẽ khác nếu Cơ quan hàng không Nga (Rosaviation) phát hiện bất kỳ sai sót nào trong công tác bảo đảm an toàn bay của Kogalymavia.
Sau cùng, Báo Độc lập (Nga) ngày 2/11 đăng ý kiến của một blogger, ông Alexei Roshchin, trong đó cho rằng những ngày qua các phương tiện truyền thông Nga đã hết sức tránh "phạm húy," không nhắc đến cụm từ "tấn công khủng bố," khi đề cập nguyên nhân dẫn đến thảm kịch với chiếc Airbus A321.
Blogger này đã không ngại khi cho rằng Điện Kremlin, trong mọi trường hợp, "chấp nhận" bất cứ nguyên nhân gì dẫn đến thảm họa hàng không hôm 31/10, nhưng nhất quyết không muốn tin rằng đó là một cuộc tấn công khủng bố của IS nhằm vào máy bay Nga.
Không chỉ riêng giới chức Nga mà ngay cả Ai Cập cũng hy vọng các tổ chức khủng bố không phải là "tác giả" của thảm họa nói trên. Thực tế, nếu những kẻ khủng bố đã gây ra thảm kịch hôm 31/10, chắc chắn đó sẽ là "bản cáo chung" của ngành du lịch Ai Cập, vốn dĩ đang ngắc ngoải kể từ khi phải hứng chịu những đợt "gió lạnh" của Mùa xuân Arập thổi tới từ hồi cuối năm 2010 đến nay./.